Đảo ngày càng “khát”
Những năm qua, túi nước ngọt của đảo Lý Sơn bị xâm nhập mặn ngày càng nhanh, tình hình khan hiếm nước ngọt tại đảo diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của cư dân địa phương.
Người dân đã tìm mọi cách thăm dò, khai thác nguồn nước ngầm trái phép để tưới tiêu dẫn đến tình trạng khoan, đóng giếng trái phép tái diễn, đe dọa nguồn nước ngầm trên đảo.
Từ năm 2014 đến nay, số giếng trên huyện đảo Lý Sơn tăng gần 4 lần (từ 550 giếng năm 2014 tăng lên gần 2.150 giếng). Tình trạng khoan, đóng giếng trái phép khiến nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Lượng nước được sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng chỉ ở mức 16.000m3/ngày, nhưng hiện lượng nước khai thác thực tế gần 22.000m3/ngày.
Theo thống kê, hơn 40% giếng nước trên đảo bị nhiễm mặn, tình trạng xâm thực mặn từ biển vào trung tâm đảo cũng đạt đến 2km.
Ông Phạm Văn Hòa - thôn Đông An Vĩnh (huyện Lý Sơn) chia sẻ: “Nông nghiệp phải có nước, không có nước thì mùa tới không trồng hành được. Năm vừa rồi, cánh đồng ruộng An Vĩnh vì nước mặn nên trồng hành không phát triển. Mong Nhà nước tạo điều kiện để nông dân tìm nguồn nước ngọt”.
Dự án “giải khát” nhùng nhằng
Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý triển khai thực hiện dự án “Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn”.
Dự án có tổng vốn 75 tỷ đồng, do UBND huyện làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch sẽ triển khai thực hiện từ 2017 - 2020. Dự án bao gồm 2 hồ chứa, đường ống dẫn, cấp nước. Mục tiêu ban đầu của dự án là cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người và cấp nước tưới tiết kiệm cho 80ha đất nông nghiệp.
''Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn'' chỉ mới xây được 1 hồ chứa. |
Tuy nhiên, dù đã quá thời gian thực hiện nhưng dự án này mới hoàn thành 1 hồ chứa. Khối lượng còn lại chưa biết đến khi nào hoàn thành bởi dự án được thực hiện theo kiểu vừa làm vừa… sửa thiết kế.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nguyên nhân của tình trạng trên là do phải điều chỉnh dự án, thiết kế ban đầu vì chưa phù hợp. Quá trình điều chỉnh mất nhiều thời gian dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Theo thiết kế được phê duyệt lần đầu, dự án có 2 hồ chứa, trong đó có 1 hồ rộng 30.000m2 nằm hoàn toàn trên đất trồng hành, tỏi. Chính quyền địa phương cho rằng, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ít, do đó làm hồ chứa chiếm diện tích quá lớn là không phù hợp. Vì vậy, khi hồ chứa thứ nhất hoàn thành, huyện tạm thời dừng thi công để xin điều chỉnh dự án.
Theo đó, UBND huyện đề xuất bỏ hồ chứa rộng 30.000m2 như thiết kế ban đầu. Thay vào đó, xây thêm 1 hồ chứa gần vị trí hồ số 1 đã hoàn thành và 1 hồ mới tại chân núi Giếng Tiền. Huyện Lý Sơn cũng xin kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.
Điều đáng quan tâm, sau khi điều chỉnh tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 60 - 70% so với thiết kế ban đầu. Điều này dẫn đến số người và diện tích đất được cấp nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên ở mức 75 tỷ đồng.
Được biết, năm 2018, huyện Lý Sơn đã đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm gồm 7 giếng khoan, 7 trạm bơm và nhiều công trình phụ trợ với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.000m3 ngày/đêm.
Hệ thống được kỳ vọng cung cấp nước sinh hoạt cho 1.457 hộ dân, nhưng thực tế, do các giếng khoan đều cạn hoặc nhiễm mặn nên chỉ cung cấp nước cho khoảng 600 hộ dân, chưa đến 50% mục tiêu đầu tư dự án.
Vấn đề được người dân quan tâm hiện nay chính là dự án "Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn" đang triển khai bao giờ sẽ hoàn thành và có đạt được mục tiêu như đã đề ra hay không, hay lại kém hiệu quả như dự án triển khai trước đó?