Quảng Ngãi: Hàng chục người "sập bẫy" đáo hạn ngân hàng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì tin tưởng, quen biết, nhiều người ở Quảng Ngãi cho người khác vay với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Rồi sau đó, không ít gia đình rơi vào thảm cảnh, kẻ tán gia bại sản, người ly hương, biệt tích…

Bi kịch của người cho vay
Từ tháng 3/2018, bà Phạm Thị Hường (SN 1966, ngụ phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) liên tục gửi đơn tố cáo bà Phạm Thị Thanh Hương - Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phát (247 Phan Đình Phùng, TP Quảng Ngãi) lừa đảo chiếm đoạt 7,8 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hường.
Bà Hường thống kê đã cho bà Hương vay 4 lần, lần lượt là: 1,5 tỷ đồng (ngày 12/6/2017); 2,4 tỷ đồng (ngày 21/6/2017); 1,5 tỷ đồng (ngày 27/7/2017) và 2,4 tỷ đồng (ngày 7/8/2017).
“Tôi và bà Hương quen biết nhau. Lợi dụng mối quan hệ trong làm ăn, năm 2017, bà Hương có mượn tiền của tôi nhiều lần để đáo hạn ngân hàng. Đòi nợ nhiều năm, tôi mới được bà Hương trả cho 1 cái kho hàng của Công ty Triệu Phát. Hiện bà Hương còn nợ tôi gần 5 tỷ đồng”.
Theo bà Hường, tất cả các giao dịch mà bà Hương vay mượn tiền của người dân đều dùng thủ đoạn “đáo hạn ngân hàng”. Khi vay tiền, bà Hương (có lúc cả vợ chồng Hương) viết giấy vay tiền để đáo hạn ngân hàng, trong vòng 3 - 7 ngày sẽ trả); cam kết nếu không trả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Theo bà Hường, để cho bà Hương vay, bản thân bà cũng mượn thêm không ít tiền từ bạn bè, người thân. Từ ngày xảy ra sự việc, bà luôn ở trong tình trạng bất ổn, sức khỏe suy kiệt và phải xoay sở bằng nhiều cách khác để tiếp tục sống.
Thê thảm hơn bà Hường, bà Lương Thị Nhung (thôn Phổ An, xã Nghĩa An) đã cho cả 2 bà Đặng Thị Bạch Tuyết tổ 15, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng ngãi) và bà Phạm Thị Thanh Hương mượn tiền.
 Bà Lương Thị Nhung.
Cũng từ đó, các thửa đất, các căn nhà, vốn liếng hàng chục tỷ đồng của bà Nhung đội nón ra đi vì bị quỵt tiền. Tài sản còn lại mà người chồng qua đời để lại chỉ còn 2 tàu cá do con trai bà Nhung đứng tên. Sự việc xảy ra, con trai bà Nhung phát sinh mâu thuẫn nặng nề với mẹ.
“Con giận tôi quá nên cứ nặng lời với tôi mãi, giận nó ít nhưng giận bản thân thì nhiều. Bây giờ cứ phiêu dạt nay nhà này mai nhà khác, ít dám về nhà”, bà Nhung rưng rức.
Bi kịch càng tăng khi chính con gái bà Nhung, chị Trần Thị Kim Thủy (thôn 2, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) cũng vướng vào hoàn cảnh tương tự. Tổng số tiền 2 mẹ con bà Nhung cho các đối tượng trên vay lên đến gần 8 tỷ đồng.
Vì bị chiếm đoạt mất khối tài sản lớn nên Thủy gặp nhiều rắc rối với gia đình chồng. Bị chửi bới, thậm chí đuổi ra đường…
Không chỉ có những nạn nhân trên, còn có nhiều người khác “tố” bị quỵt nợ và đang lâm vào những tình trạng khốn khổ bởi sự cả tin vào các đối tượng vay nợ trên.
Liên quan đến vấn đề này, ông T.H.L. - cán bộ một cơ quan tại tỉnh Quảng Ngãi (chồng bà Phạm Thị Thanh Hương) cho biết nguyên nhân dẫn đến nợ nần là do việc kinh doanh của vợ bị thua lỗ, dẫn đến phá sản.
Trao đổi với phóng viên, ông L. thừa nhận có ký một số giấy vay mượn tiền cùng với vợ để cho vợ kinh doanh và đáo hạn ngân hàng. Số tiền gia đình ông vỡ nợ bao nhiêu và tiền đã đi đâu thì không rõ nhưng chưa có khả năng trả nợ.
Ông L. cũng đã nhận hình thức kỷ luật là khiển trách từ Đảng bộ đơn vị đang công tác do để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm: Chưa sâu sát với vợ trong làm ăn, để vợ vay mượn nợ số tiền lớn của nhiều người, gây mất khả năng thanh toán. Bản thân cũng mượn tiền một số người trong và ngoài cơ quan, nay chưa trả hết.
Ngoài ra, ông L. cũng bị đưa ra khỏi quy hoạch chức danh Phó Giám đốc đơn vị đang công tác trong giai đoạn 2021 - 2026 với lý do: Để vay nợ, mượn tiền nhưng chưa có khả năng trả nợ làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gia đình.
Những dấu hiệu bất thường
Lần theo mối quan hệ của các nạn nhân trong vụ việc huy động vốn của Phạm Thị Thanh Hương và Đặng Thị Bạch Tuyết phát hiện cách đó vài năm trước từng xảy ra vụ việc tương tự. Cụ thể, vào đầu năm 2012, có 7 hộ dân ở Quảng Ngãi cũng từng có đơn tập thể tố cáo bà Đặng Thị Bạch Tuyết huy động đến hơn 5 tỷ đồng rồi quỵt nợ.
 Đơn tố cáo bà Đặng Thị Bạch Tuyết.
Qua lời kể của những nạn nhân, được biết bà Tuyết đã lợi dụng mối quan hệ quen biết để vay nợ với lý do đáo hạn ngân hàng. Với một vài người khác, bà Tuyết lại bảo nếu góp thêm vốn sẽ được trả lãi vì cửa hàng dịch vụ cầm đồ và cửa hàng ga của bà đang thiếu vốn. Bà Tuyết hứa hẹn một tuần, hoặc sau một tháng sẽ trả. Người hẹn một tuần trả thì bà tiếp tục mượn thêm, người hẹn một tháng thì bà tuyên bố vỡ nợ.
Bà H.T.N (ngụ phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) chia sẻ: “Năm 2011, bà Tuyết vay của tôi 500 triệu đồng, trong đó có 150 triệu đồng không có giấy tờ, 350 triệu đồng có giấy viết tay. Sau đó ít lâu bà Tuyết bảo là vỡ nợ, không trả nổi nữa”.
Qua tìm hiểu được biết, thời điểm đó bà Tuyết nêu ra nhiều lý do để vay mượn tiền, khi thì mua nhà, khi thì đầu tư bất động sản… Khi mọi chuyện vỡ lở mới hay có nhiều người cũng ở trong tình cảnh tương tự.
Trong vụ việc xảy ra giai đoạn 2017 - 2018, bà Tuyết tiếp tục đi huy động tiền của nhiều người khác rồi đưa cho bà Hương. Đối với trường hợp mẹ con bà Nhung, bà Tuyết lại “cấn nợ” số tiền vay từ 2 người này cho bà Hương trả. Và sau khi nhận món nợ chuyển sang, bà Hương tiếp tục dùng nhiều cách để mượn thêm tiền từ bà Nhung.  
Mối liên hệ giữa bà Đặng Thị Bạch Tuyết và Phạm Thị Thanh Hương cũng như hình thức huy động vốn đã khiến các nạn nhân vô cùng bức xúc và đặt ra nghi vấn có sự tiếp nối giữa vụ việc trước kia với hiện nay vì tính chất quá giống nhau.
“Căm phẫn nhất là khi mẹ con tôi đòi nợ thì bà Tuyết lại chỉ sang bà Hương, bảo rằng tiền bạc đều đưa cho bà Hương cả. Từ đó, mẹ tôi cứ bị chúng dẫn dụ cho vay thêm tiền”, Trần Thị Kim Thủy bức xúc.
Khi nhận thấy nhiều vấn đề khúc mắc liên quan đến giấy tờ, bản thân những người cho vay tiền đã tìm cách xác thực và khẳng định các đối tượng trên đã dùng thủ đoạn gian dối, làm giả hồ sơ, giấy tờ, lợi dụng uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, bà Ngô Thị Nhi (ngụ Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) từng là kế toán của công ty Công ty TNHH Triệu Phát thừa nhận: “Bà Hương bảo tôi sửa lại số tiền trong tờ giấy gửi tiền ngân hàng, in số 6,3 tỷ đồng dán đè lên con số vài chục triệu đồng (con số thực tế gửi ngân hàng), sau đó scan bản đó ra, chụp zalo gửi bà Hương. Bà Hương sai tôi làm vậy chứ tôi không rõ bà dùng làm việc gì. Sau đó mới hay bà Hương dùng nó để chứng minh với những người khác là bà ấy có gửi tiền đó vào ngân hàng”.
Theo bà Nhi, trong thời gian làm việc tại công ty THNN Triệu Phát, bà Hương đã chỉ đạo can thiệp, chỉnh sửa bản sao kê của ngân hàng rồi đưa cho bà Lương Thị Nhung, để bà này tin tưởng đưa tiền.
 Bảng sao kê đã được chỉnh sửa, can thiệp.
“Bà Hương chỉ đạo tôi tải bảng sao kê trên internet banking xuống, sau đó chèn thêm số tiền 6,3 tỷ đồng rồi đưa cho bà Nhung. Bà Nhung đưa cho bà Hương 1,8 tỷ đồng, sau đó gửi vào ngân hàng nhưng bà Nhung vừa đi thì bà Hương rút lại tiền, mang đi đâu không rõ”, bà Nhi cho hay.
Mấy ngày sau bà Nhung đến đòi nợ, bà Hương lại chỉ đạo kế toán làm giả giấy tờ ngân hàng thu nợ vay 1,8 tỷ đồng để tiếp tục mượn tiền bà Nhung.
Chính những giấy tờ đã qua can thiệp, chỉnh sửa đã khiến bà Nhung “sập bẫy”, tiếp tục gom tiền đưa cho bà Hương.
“Vì bản scan con dấu màu đen, lại chụp gửi qua nên tôi không mảy may nghi ngờ, hơn nữa bảng sao kê cũng có nên tin tưởng, đưa tiền cho bà Hương vay”, bà Nhung cho biết.
Hàng chục người cho Hương và Tuyết vay tiền vẫn không biết các đối tượng đã nộp tiền đi đâu, “chảy” vào túi ai, thất thoát chỗ nào. Chỉ chắc chắn rằng vòng lẩn quẩn đáo hạn ngân hàng, vỡ nợ đã khiến nhiều gia đình tán gia bại sản, vợ chồng ly tán, người thân bất hòa, an ninh trật tự phức tạp.
Bà Nhung và bà Hường nhiều lần gửi đơn tố cáo, cho rằng bà Hương, bà Tuyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng nhiều lần trả lời đơn thư các bị hại với nội dung: “Quá trình điều tra, xét thấy vụ việc trên là tranh chấp dân sự nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi; đề nghị bà gửi đơn đến TAND TP Quảng Ngãi để được giải quyết”.
Tuy nhiên, những người tố cáo cho rằng câu trả lời của ngành chức năng chưa thỏa đáng nên khiếu nại khiếu kiện kéo dài, thậm chí vượt cấp.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần