Quảng Ngãi: Mưa lớn kèm lốc xoáy, hơn chục nhà dân bị thiệt hại

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận lốc xoáy đã làm 17 nhà dân ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) bị hư hại.

Chiều 10/10, ông Phạm Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, khoảng 11 giờ cùng ngày, trên địa bàn xã xảy ra một cơn lốc xoáy đi kèm trong mưa dông làm tốc mái, hư hỏng nhiều nhà dân. 

Một ngôi nhà bị lốc tàn phá.
Một ngôi nhà bị lốc tàn phá.

Thống kê ban đầu có 17 ngôi nhà của người dân ở xóm 4A, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp bị lốc xoáy làm tốc mái, hư hỏng. Rất may không có thiệt hại về người.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Tịnh Hiệp đã huy động lực lượng xung kích hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ưu tiên những hộ bị thiệt hại chưa có chỗ ở.

Chính quyền huy động lực lượng để hỗ trợ người dân.
Chính quyền huy động lực lượng để hỗ trợ người dân.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Ngãi có mưa rất to và dông nhiều nơi; với lượng mưa (tính từ 19 giờ ngày 9/10 đến 15 giờ ngày 10/10) phổ biến 150 - 350 mm, riêng Sơn Giang 369,6mm; Sơn Kì (Sơn Hà) 386,8mm, lưu vực hồ Núi Ngang 407mm, Trà Hiệp (Trà Bồng) 461mm.

Mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.
Mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.

Trong chiều, đêm nay và ngày mai (11/10), khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và rải rác có dông; trong cơn dông đề phòng có sét và gió giật mạnh. Từ đêm mai (11/10) mưa trên khu vực có khả năng giảm nhanh.

Lượng mưa 24 giờ đến 48 giờ tới phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng nên cần đề phòng có lũ trên các sông, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp; trong mưa dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh.

Ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, chiều 10/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cũng có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động biện pháp ứng phó.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển báo và ngăn cấm người dân đi qua các khu vực nguy hiểm.