Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Muốn độc chiếm ngư trường, ngư dân xô xát, đuổi đánh nhau

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vì tranh chấp ngư trường khai thác ốc gạo, nhiều ngư dân đã xô xát, đuổi đánh nhau. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nửa tháng qua, ngư dân Nguyễn Công Khỏe (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải ngưng đi biển để ở nhà dưỡng thương sau vụ xô xát với ngư dân xã Đức Minh (huyện Mộ Đức).

Bàn tay bị thương và cánh tay đầy vết bầm của ngư dân Nguyễn Công Khỏe sau vụ xô xát.
Bàn tay bị thương và cánh tay đầy vết bầm của ngư dân Nguyễn Công Khỏe sau vụ xô xát.

“Hôm đó tôi đi ghe từ Nghĩa An qua Đức Minh để làm ốc gạo thì bị ghe của ngư dân ở xã này đuổi đánh. Họ cầm đá, chai thủy tinh, cây gậy đánh khắp người, đến bây giờ còn ê ẩm, đau nhức, ngón tay vẫn còn phải băng bó”- ngư dân Khỏe bức xúc.

Không chỉ ngư dân Khỏe, nhiều ngư dân khác ở xã Nghĩa An cũng từng bị đuổi đánh, tấn công khi khai thác ốc gạo ở vùng biển Đức Minh.

“Có bữa bị họ đánh tới tấp, quỳ lạy nhưng họ không tha, đánh xong họ còn ôm tôi ném xuống biển. May mà vẫn sống sót"-ngư dân Nguyễn Văn Mến kể lại.

Các ngư dân cho rằng, nguyên nhân xảy ra xô xát, đuổi đánh là do một số ngư dân Đức Minh muốn độc chiếm ngư trường ốc gạo. Với suy nghĩ ốc gạo trên vùng biển Đức Minh là của ngư dân Đức Minh, ngư dân các địa phương khác không được khai thác.

Ngư trường khai thác ốc gạo.
Ngư trường khai thác ốc gạo.

Chính vì cách nhìn nhận sai lệch này nên ngoài ngư dân Nghĩa An, ngư dân ở các xã khác khi đến vùng biển xã Đức Minh khai thác ốc gạo cũng thường xuyên bị ngư dân ở đây đuổi đánh, hành hung.

Đáng chú ý, tình trạng “độc chiếm” ngư trường này kéo dài qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Cứ vào mùa khai thác ốc gạo (từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm), xô xát lại tái diễn.

Liên quan đến vấn đề trên, Đại úy Trịnh Tất Thành - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Đức Minh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã mời số ngư dân này lên, răn đe, giáo dục, đề nghị chấp hành nghiêm các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản đúng luật.
Cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản đúng luật.

“Việc ngư dân ngăn cản, không cho ngư dân ở các địa phương khác vào khu vực biển Đức Minh khai thác ốc gạo là sai quy định pháp luật”- Đại úy Thành khẳng định.

Theo ông Lê Văn Tôn- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, chính quyền xã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan phát hiện, ngăn chặn các hành tranh chấp ngư trường, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.

“Chúng tôi cũng tổ chức gặp gỡ ngư dân Nghĩa An, Đức Minh, … để tuyên truyền pháp luật, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng luật”- ông Tôn nói.

Trước tình trạng tranh chấp ngư trường kéo dài dai dẳng, Huyện ủy Mộ Đức vừa ban hành công văn hỏa tốc yêu các địa phương ven biển, lực lượng công an phối hợp với Đồn Biên phòng Đức Minh tăng cường nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng manh động, vị phạm pháp luật trong quá trình khai thác, đánh bắt.

Ốc gạo là loại hải sản mang đến thu nhập của ngư dân.
Ốc gạo là loại hải sản mang đến thu nhập của ngư dân.

Ốc gạo (hay còn gọi là ốc ruốc) có nhiều ở vùng bãi ngang Quảng Ngãi, nhưng ở khu vực ở Đức Minh thường được ưa chuộng hơn cả bởi đặc trưng nguồn nước ở bãi ngang cát, ốc sạch, không bùn. Vào mùa cao điểm, nghề cào ốc gạo mang lại thu nhập khá cao cho người dân.