Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Nỗ lực cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quảng Ngãi phấn đấu 50% hệ thống (công trình) cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100 m3/ngày, đêm trở lên được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Công trình bỏ không, dân hì hục đi kiếm nước

Nhiều năm liền, gia đình 3 người của ông Lê Văn Hảo (thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phải chở nước từ nơi khác về nhà dùng. Nước để ăn, uống được gia đình xử lý qua máy lọc, còn nước để tắm, giặt thì sử dụng trực tiếp.

Công trình cấp nước thôn Trì Bình nằm chơ vơ giữa ruộng.
Công trình cấp nước thôn Trì Bình nằm chơ vơ giữa ruộng.

“Hồi trước ở đây có công trình cấp nước, nhưng dùng được vài năm rồi xuống cấp, bỏ hoang. Khu vực này, nguồn nước giếng không đảm bảo nên phải đi kiếm nước ở phía gần núi, đỡ ô nhiễm hơn", ông Hảo nói.

Theo tìm hiểu, năm 2002, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn ở phía Bắc của thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, làm ảnh hưởng nguồn nước ngầm sinh hoạt của người dân. Do đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt này cho người dân để cung cấp nước sạch và giao cho địa phương quản lý.

Dù  phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân Trì Bình nhưng nguồn nước của công trình lại được lấy từ nước ngầm giữa cánh đồng đã khiến không ít người lo ngại.

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Trì Bình) cho biết: “Công trình cấp nước xây giữa đồng ruộng, sợ nguồn nước bị ô nhiễm từ phân bón, thuốc trừ sâu nên cũng ít người sử dụng”.

Từ năm 2015 đến nay, công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhưng do hạn hẹp nguồn kinh phí nên địa phương không tiến hành sửa chữa. Hiện tại, sau nhiều năm bỏ hoang, công trình cấp nước sinh hoạt Trì Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, nằm chơ vơ giữa cánh đồng, xung quanh mọc đầy cỏ dại.

Công trình xuống cấp, rỉ sét.
Công trình xuống cấp, rỉ sét.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết: “Qua kiến nghị của cử tri, Sở tổng hợp và tham mưu tỉnh bố trí kinh phí đầu tư bằng nguồn vốn của chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở đã giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hoàn thành thủ tục, sắp đến sẽ lựa chọn đơn vị thực hiện triển khai thi công”.

Theo ông Hùng, để khắc phục tình trạng công trình đầu tư không hiệu quả do nguồn nước không đảm bảo, khi công trình được đầu tư sẽ lấy nguồn nước từ sông Trà Bồng, thông qua nâng cấp mở rộng trạm cấp nước tại xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) kéo dài đường ống cấp nước cho xã Bình Nguyên.

Nâng cao chất lượng cấp nước nông thôn

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong số này, có đến 484 công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động, chiếm tỷ lệ khoảng 94,35% tổng số công trình. Hầu hết là các công trình thuộc các xã miền núi có quy mô, công suất nhỏ, lại nằm xa khu dân cư và ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.

Quảng Ngãi: Nỗ lực cấp nước an toàn khu vực nông thôn - Ảnh 1Một trụ nước của công trình cấp nước ở miền núi bị bỏ không nhiều năm.

Để cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng nước theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe của người dân, UBND Quảng Ngãi vừa ban hành kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2024-2028.

Theo đó, phấn đấu 50% hệ thống (công trình) cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100 m3/ngày, đêm trở lên được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân là 15%, dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.

Trong giai đoạn 2024-2028, toàn tỉnh sẽ có 34 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Nguồn kinh phí theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính, lồng ghép vào 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị hàng năm.

Giai đoạn 2024-2028, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 34 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Giai đoạn 2024-2028, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 34 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung tổ chức lập, phê duyệt, thực hiện và kiểm tra, đánh giá về kế hoạch cấp nước an toàn đối với từng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và thực hiện quy trình kiểm soát và ứng phó trong trường hợp công trình cấp nước nông thôn tập trung gặp sự cố.

Kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt khu vực nông thôn theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2023/QNg - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ban hành theo Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Bố trí huy động, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa.

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép. Khuyến khích, ứng dụng tiến bộ khoa học trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố.

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả như: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch sinh hoạt; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sức khỏe đến người sử dụng nước,...