Quảng Ngãi: OCOP đồng hành với du lịch

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những sản phẩm OCOP đa dạng với đặc thù riêng có về tự nhiên, văn hóa, phương thức canh tác độc đáo là cơ hội lớn cho các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi phát triển du lịch nông nghiệp.

Vừa làm OCOP vừa làm du lịch

Sản phẩm chè Thành Tiến của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến (xã Long Hiệp, huyện Minh Long) đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bén rễ hàng trăm năm trên mảnh đất Minh Long, cây chè ở nơi này đã có thương hiệu nức tiếng gần xa.

Sản phẩm chè Thành Tiến đã được công nhận chuẩn OCOP 3 sao.
Sản phẩm chè Thành Tiến đã được công nhận chuẩn OCOP 3 sao.

Với mục đích vực dậy cây chè truyền thống ở xã Long Hiệp, giúp bà con bảo tồn, nâng tầm cây chè bản địa, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến được thành lập với 17 thành viên, tổng diện tích canh tác chè khoảng 40ha. Bên cạnh cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX này đang ấp ủ dự định thu hút du khách đến với vùng chè để thương hiệu chè ngày càng nhiều người biết đến và sử dụng.

“Khi khách du lịch đến với xã Long Hiệp có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân địa phương làm, tự tạo ra những sản phẩm của riêng mình nhưng mang thương hiệu nổi tiếng của địa phương” - ông Đinh Văn Khó - Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Thành Tiến bày tỏ.

Bà Đặng Thị Mỹ Á - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Hương vị chè Minh Long có đặc trưng riêng, vị chan chát ban đầu, nhưng rất thơm, đậm đà, để lại vị ngòn ngọt đọng lại trên đầu lưỡi. Nếu phát triển du lịch trải nghiệm ở đồi chè, vừa ngắm những cảnh đẹp vừa tìm hiểu cách sản xuất, chế biến chè xanh, tôi nghĩ sẽ rất thu hút du khách”.

Quảng Ngãi có 61 sản phẩm OCOP thuộc các nhóm hàng: Thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ và thảo dược, dịch vụ du lịch nông thôn. Xây dựng sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch được xác định là một trong những mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025. Bởi du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng, và OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Cả hai là sự liên kết không thể thiếu, khó tách rời nhau và cùng nằm trong chuỗi phát triển.

Làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) là một trong hai sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn tại Quảng Ngãi đã được công nhận đạt chuẩn OCOP. Làng Gò Cỏ được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện năm 2017. Lúc đó, đoàn khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Các chuyên gia kết luận khu vực làng Gò Cỏ, đầm An Khê là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh và tiếp nối là văn hóa Chăm pa với hàng loạt di tích như đường đá, giếng Chăm, bia ký Chăm, tường đá, tháp Chăm, hệ thống thủy lợi bằng đá được xếp vô cùng công phu... Để ngôi làng sống dậy, các chuyên gia đã giúp người dân làng Gò Cỏ hiểu giá trị nơi mình sinh sống.

Du khách tìm hiểu và trải nghiệm ở làng Gò Cỏ.
Du khách tìm hiểu và trải nghiệm ở làng Gò Cỏ.

Năm 2018, người dân làng Gò Cỏ đi Cù Lao Chàm (Quảng Nam) học làm du lịch cộng đồng. Năm 2019 họ thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Việc bố trí các tổ nhóm tham gia các dịch vụ, homestay... được thực hiện bài bản, để người dân ai cũng hưởng lợi. Từ một ngôi làng gần như “chẳng ai biết đến”, Gò Cỏ sớm định vị trên bản đồ du lịch Quảng Ngãi và trở thành nơi hút du khách.

Đồng hành cùng phát triển

Để thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử, xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh. Bên cạnh đó, giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm, đồ lưu niệm và quà gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Các sản phầm OCOP được trưng bày, quảng bá nhân sự kiện Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch được tổ chức ở Quảng Ngãi.
Các sản phầm OCOP được trưng bày, quảng bá nhân sự kiện Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch được tổ chức ở Quảng Ngãi.

Theo ông Nguyễn Đức Huy – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá sẽ tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

“Đưa sản OCOP đến người tiêu dùng nhanh nhất là thông qua kênh siêu thị, trung tâm thương mại và hội nghị giao thương kết nối tỉnh ở vùng miền khu vực miền trung và cả nước. Những sản phẩm nông nghiệp này có tính thân thiện với môi trường, du khách họ rất thích mua để sử dụng và làm quà tặng. Trong dịp lễ, tết, tỉnh khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP để làm quà tặng. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP” - ông Huy cho biết.

Mặc dù vậy, việc kết nối sản phẩm OCOP với du lịch ở Quảng Ngãi vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và gặp nhiều khó khăn.

“Thực tế, lượng du khách đến Quảng Ngãi còn ít so với các tỉnh thành khác nên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, một số người dân còn chưa có nhiều kiến thức trong liên kết, cùng phát triển nên còn tâm lý e ngại. Để gắn kết du lịch với sản phẩm OCOP cần có quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan chức năng trong quảng bá, phát triển du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP có chất lượng,  tạo được nhiều điểm du lịch hấp dẫn” - bà Trương Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ.