Cánh đồng điện gió
Từ Quốc lộ 9 nhìn về phía Tây, là những cột điện gió sừng sững được xây dựng, thi công trong thời gian ngắn. Dọc các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng… vòng qua xã Húc (huyện Hướng Hóa), có thể thấy những đại công trường đang gấp rút thi công ở trên đỉnh, đồi núi cao.
Ước đã có khoảng 100km đường được mở rộng, nâng cấp phục vụ việc vận chuyển thiết bị điện gió, góp phần mang lại hệ thống hạ tầng giao thông vùng miền núi tỉnh Quảng Trị. |
Bấy lâu, trên những đỉnh đồi, đỉnh núi này là nương rẫy, là những bản làng nghèo, heo hút quanh năm. “Đặc sản” vùng này cũng chỉ là gió. Mùa nóng rát mặt bởi gió Lào, mưa thì lạnh tím người cũng vì gió. Thế nhưng, giờ đây, gió lại trở thành lợi thế để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tìm đến vùng đất này.
Từ Quốc lộ 1 ngược lên Quốc lộ 9 rồi vào các đường nhánh, nhìn chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở cánh quạt, trụ điện gió đã trở thành quá quen thuộc với người dân địa phương. Những bản làng lặng lẽ trên các rẻo cao cũng ồn ào hơn khi hàng loạt dự án điện gió vào thi công.
Chỉ trong thời gian ngắn, Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177MW. Trong số này, 2 dự án đã đi vào hoạt động với công suất 60MW, 29 dự án với công suất 1.172,2 MW có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng đang được triển khai thi công.
Những con đường phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu, các trang thiết bị điện gió cũng được mở rộng, chắc chắn, vòng lên các đỉnh núi. Hàng trăm công nhân, xe tải cùng các loại máy móc khác đang gấp rút các hệ thống móng, lắp đặt trụ và cánh quạt.
Sơ bộ đã có khoảng 100km đường được mở rộng, nâng cấp phục vụ việc vận chuyển thiết bị điện gió. Điều đó cũng mang lại một hạ tầng giao thông vùng miền núi, nối gần các bản làng vùng sâu, vùng xa lại với nhau. Trong tương lai không xa, cũng nhờ vào các tuyến đường này, Quảng Trị đang ấp ủ phát triển du lịch khi mở tour ngắm “cánh đồng điện gió” nơi vùng núi này.
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án điện gió đã mang lại những khởi sắc cho vùng đất phía Tây này cũng như tỉnh Quảng Trị về phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, việc phát triển nhanh và nhiều vấn đề bất cập trong triển khai dự án đã bộc lộ.
Cũng do áp lực tiến độ đầu tư, thi công, việc đánh giá tổng thể tác động môi trường đối với các dự án điện gió trên địa bàn của các ngành chức năng cũng chưa theo kịp tiến độ đầu tư. Dù quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thể hiện rõ không đánh đổi môi trường để lấy dự án.
Nỗi lo của nhà đầu tư
Đến thời điểm này, theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ có 16 dự án điện gió kịp phát điện trước ngày 31/10/2021 để được hưởng giá FIT của Chính phủ.
Để đạt được điều đó, các công nhân Việt Nam cùng các chuyên gia nước ngoài đang gấp rút thi công những cột điện gió cao vút giữa núi rừng. Không khí khẩn trương hiện hữu nơi đây khi nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” bởi thời điểm được hưởng ưu đãi đang cận kề. Bởi, theo Quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Dù đang triển khai gấp rút thi công nhưng các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp tiến độ thi công và hoàn thành trước ngày 1/11/2021. |
Theo ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp điện I (chủ đầu tư 3 dự án điện gió: Phong Huy, Phong Nguyên và Liên Lập), để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021 thì muộn nhất vào ngày 3/8/2021, các nhà đầu tư vào nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện (EVN). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang lo lắng khi tiến độ hoàn thành gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng ta thấy rằng để cho các nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió như bây giờ là công sức rất lớn của địa phương, ngành điện và nhà đầu tư. Chúng ta mất mấy năm từ quy hoạch, đất đai, trình duyệt... Từ giai đoạn 2020 đến nay, với sức ép giá FIT lần này đã buộc các nhà đầu tư mua thiết bị nước ngoài về với giá cao. Bên cạnh đó, cường độ đầu tư nhanh như vậy khiến các chi phí khác rất lớn. Nếu không hoàn thành kịp sẽ phá sản dự án”, ông Trịnh Văn Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cùng các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế tại các dự án điện gió nhằm tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. |
Bên cạnh, các nhà đầu tư điện gió cũng lo lắng khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn của dự án. Từ việc các bộ phận chuyên gia, kỹ sư đến công trường chậm so với kế hoạch đề ra đến việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng gặp khó khăn do giãn cách xã hôi, cách ly tập trung...
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, dịch Covid-19 là nguyên nhân bất khả kháng nên các nhà đầu tư không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường hoặc khắc phục một phần tổn thất, đặc biệt là nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị điện gió.
Chưa kể, thời tiết vùng thực hiện dự án đang vào giai đoạn mưa bão khiến việc đẩy chi phí dự án tăng cao dù lãi suất huy động vốn đã ấn định. Điều đó khiến dự án rất khó có thể hoàn vốn và dẫn đến nguy cơ phá sản cao.
Trước những nguyên nhân bất khả kháng trên, tập thể các nhà đầu tư điện gió trên địa bàn đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét và kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công Thương, gia hạn thời điểm đóng điện của các dự án điện gió được hưởng giá ưu đãi (trước ngày 1/11/2021) được lùi đến ngày 31/1/2021.
(Mời quý độc giả đón đọc bài 2: "Phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường" vào 16h chiều ngày 14/9)