Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quạt làng Vác trước nguy cơ thất truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Vác (còn gọi là làng Canh Hoạch), xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai có nhiều nghề truyền thống. Trong đó, nổi tiếng nhất và tạo nên thương hiệu cho làng chính là nghề làm quạt giấy.

Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của nhiều vật dụng hiện đại, quạt giấy đã dần mất đi vị thế và đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Niềm tự hào một thời

Quạt giấy từ lâu đã rất gần gũi và quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Nó không chỉ giúp xua đi cái nóng nực của những ngày hè oi bức mà còn là vật làm duyên trên tay thiếu nữ, các đức ông trong những dịp lễ hội, hoặc là một bức tranh nghệ thuật độc đáo treo trên tường. Nhắc tới quạt, người ta sẽ nhớ ngay tới làng Vác - nơi làm ra những chiếc quạt giấy bền, đẹp nổi tiếng. Chả thế, ca dao xưa có câu: “Hỡi cô thắt dải bao xanh/ Có về Canh Hoạch với anh thì về/ Canh Hoạch ít đất nhiều nghề/ Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya”.
Ông Trần Văn Hướng giới thiệu một chiếc quạt tranh do chính tay ông làm.
Ông Trần Văn Hướng giới thiệu một chiếc quạt tranh do chính tay ông làm.
Ông Trần Văn Hướng - nghệ nhân làm quạt kể rằng, nghề làm quạt giấy Canh Hoạch có lịch sử gần 200 năm. Trước đây, ngoài sản xuất nông nghiệp, làm quạt là nghề chính của cả làng. Nhìn chiếc quạt đơn sơ vậy nhưng để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua cả một quá trình công phu, tỉ mỉ. Đầu tiên là chọn nguyên liệu, phải chọn lựa từng ống tre làm nan quạt. Tre phải dẻo, già, không bị sâu mọt thì nan quạt mới bền đẹp. Giấy quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua ở Đông Hồ (Bắc Ninh). Khi vào giấy cho nan quạt phải khéo léo, tỉ mỉ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều. Ông Hướng tự hào cho biết, ở làng Vác, dòng họ Trần nhà ông làm quạt đẹp nhất. Sinh thời, ông nội và mẹ của ông từng có vinh dự được làm 2 chiếc quạt để tặng Bác Hồ. Trên mỗi chiếc quạt còn khắc bài thơ bằng phương pháp châm kim, đây là niềm tự hào của cả dòng họ cũng như người thợ làng Vác.

Với tâm huyết và bàn tay khéo léo, những chiếc quạt do người thợ làng Vác làm ra luôn bền, đẹp khó nơi nào sánh được. Sản phẩm của làng vì thế mà được người tiêu dùng cả nước yêu thích. Từ những chiếc quạt truyền thống, người thợ làng Vác đã sáng tạo ra nhiều loại quạt với kiểu dáng, mẫu mã khác nhau như quạt lụa, quạt the, quạt tranh… Cho dù là treo tường hay cầm tay thì những chiếc quạt làng Vác vẫn toát lên vẻ đẹp mềm mại từ những họa tiết, hoa văn được người thợ khéo léo tạo nên bằng phương pháp châm kim – một phương pháp độc đáo do chính người thợ làng Vác sáng tạo ra.

Trăn trở giữ nghề

Tuy nhiên, ngày nay về làng quạt nổi tiếng một thời đã không còn cảnh làm quạt nhộn nhịp xưa kia. Thay vào đó là hình ảnh người người, nhà nhà chuyển sang làm lồng chim. Do sự phát triển của khoa học công nghệ khi ứng dụng vào cuộc sống đã cho ra đời nhiều loại quạt máy, điều hòa hữu dụng hơn nên những chiếc quạt giấy truyền thống không còn đủ sức cạnh tranh. Hơn nữa, công sức để làm ra một chiếc quạt giấy thì nhiều mà thu nhập chẳng đáng là bao, hàng làm ra không có khách mua. Chính sự bế tắc này đã khiến giới trẻ trong làng không còn mặn mà với nghề truyền thống và chuyển sang nghề khác để kiếm kế sinh nhai.

Ông Phạm Đình Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết, hiện nay, cả làng chỉ còn vài hộ còn giữ nghề, nhưng cũng chỉ làm khi có khách đặt mua. Trước nguy cơ mai một của làng nghề, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên động viên Nhân dân tiếp tục duy trì nghề truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, mở lớp đào tạo nghề. Người sản xuất đã chủ động chuyển sang sản xuất các loại quạt nghệ thuật, quạt phục vụ du lịch… nhưng lượng hàng tiêu thụ chẳng đáng là bao. Muốn bảo tồn làng nghề cần có sự đồng lòng chung sức của cả các cấp chính quyền và người dân. Mặt khác, thế hệ đi trước phải truyền được niềm đam mê cho thế hệ sau tiếp nối. Quan trọng hơn, cần có sự hỗ trợ, định hướng sản xuất, khai thông thị trường của các cấp, các ngành để người làm nghề yên tâm sản xuất. Nếu không có giải pháp đồng bộ kịp thời, có lẽ không xa nữa quạt làng Vác chỉ còn tồn tại trong ký ức của người dân.