Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia châu Âu thêm bước quan trọng để gia nhập NATO

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả bỏ phiếu hôm 23/1 đã xóa bỏ rào cản đáng kể đối với tiến trình quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự NATO.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, đưa quốc gia Bắc Âu này tiến một bước gần hơn đến việc gia nhập liên minh quân sự sau nhiều tháng trì hoãn.

Trong số 346 thành viên quốc hội đã bỏ phiếu, 287 người ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập, 55 người bỏ phiếu bác bỏ và 4 người bỏ phiếu trắng.

Cuộc bỏ phiếu ngày 23/1 của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đưa Thụy Điển tiến một bước gần hơn đến việc gia nhập liên minh quân sự sau nhiều tháng trì hoãn. Ảnh: Getty
Cuộc bỏ phiếu ngày 23/1 của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đưa Thụy Điển tiến một bước gần hơn đến việc gia nhập liên minh quân sự sau nhiều tháng trì hoãn. Ảnh: Getty

Cuộc bỏ phiếu là bước thứ hai trong quá trình phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ủy ban Đối ngoại của quốc hội phê duyệt đề nghị vào tháng trước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện có thể ký nghị định thư thành luật.

Kết quả bỏ phiếu hôm 23/1 đã xóa bỏ rào cản đáng kể đối với tiến trình quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự, với việc Hungary hiện được coi là quốc gia thành viên duy nhất chưa phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển.

Tuy nhiên, hôm 23/1, Thủ tướng Hungary Victor Orban cho biết ông đã mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đến thăm Hungary để đàm phán các điều khoản về việc Thụy Điển gia nhập.

Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022 sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào đầu năm đó. Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4/2023, tăng gấp đôi biên giới của liên minh với Nga, trong khi Thụy Điển vấp phải sự chậm trễ trong lộ trình gia nhập.

Tổng thống Erdogan ban đầu phản đối việc Thụy Điển đăng ký làm thành viên, cáo buộc các quan chức Thụy Điển quá khoan dung với các nhóm chiến binh, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố. Kể từ khi nộp đơn gia nhập, Thụy Điển đã thắt chặt luật chống khủng bố và đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề an ninh.

Theo CNN, việc ông Erdogan chấp thuận đơn gia nhập của Thụy Điển cũng dựa trên cam kết của Mỹ, với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ báo hiệu rằng ông sẽ không ký nghị định thư thành luật trừ khi Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin hôm 23/1 cho biết, Quốc hội đang chờ xem các tài liệu gia nhập được hoàn thành trước khi tiến hành giải quyết vấn đề.

Sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson cho biết Thụy Điển “đã tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên chính thức của NATO”.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeffry Flake đã nhắc lại quan điểm này trong một bài đăng trên mạng xã hội X, nói rằng “Việc Thụy Điển gia nhập NATO là một bước quan trọng trong việc củng cố liên minh” và ông “đánh giá rất cao quyết định của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO”.

Chính phủ Đức hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn của chính phủ liên bang Steffen Hebestreit cho biết trong một tuyên bố rằng việc Phần Lan gia nhập vào tháng 4 năm ngoái và “sự gia nhập sắp tới” của Thụy Điển là một “phản ứng trực tiếp đối với cuộc chiến tại Ukraine của Nga”.