Theo Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow không tác động nhiều đến nền kinh tế Nga.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, Tổng thống Nauseda cho biết, các chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy nền kinh tế Nga vẫn ổn định bất chấp áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây.
“Chúng tôi phải thừa nhận rằng 12 gói trừng phạt của EU đối với Nga có tác động rất hạn chế đến nền kinh tế nước này” – Tổng thống Nauseda cho hay.
Theo số liệu chính thức mới nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 3,6% vào năm 2023, vượt xa cả Mỹ và EU. Đồng thời, giới chức Nga dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt mức tối thiểu 2,3% trong năm nay.
Nhà lãnh đạo Litva cho rằng Nga đã có giải pháp hiệu quả để “né” các lệnh cấm vận, đồng thời kêu gọi EU tìm biện pháp ngăn chặn việc này.
Tổng thống Nauseda cũng hối thúc Brussels đẩy mạnh nỗ lực trong việc tìm giải pháp tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine.
EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.
EU hiện đang nỗ lực thông qua gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga, vốn cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên trong khối trước 24/2, thời điểm đánh dấu 2 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
EU và Mỹ cũng đang lên kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Các nước phương Tây đã phong tỏa tài sản ước tính 300 tỷ USD của ngân hàng trung ương Nga vào tháng 2/2022. Trong đó, Euroclear nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) tài sản bị phong tỏa của Nga và đã tích lũy gần 4,4 tỷ euro tiền lãi trong năm qua.
Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU là bất hợp pháp, đồng thời khẳng định rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm đoạt hoàn toàn tiền của họ sẽ tương đương với hành vi trộm cắp và chịu hậu quả liên quan. Các quan chức Nga cũng lưu ý rằng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ làm suy yếu thêm niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây.