Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Công Thọ-Như Hương-Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Điều hành Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, có 66 ĐBQH đăng ký phát biểu ý kiến. Tại Phiên họp hôm nay, 4 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình thêm các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi, quan tâm.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 30/10 đã có 49 đại biểu phát biểu và 03 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội.
Cụ thể, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020: Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đồng ý với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng: Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát của Quốc hội đề ra. Theo đó, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu (07 chỉ tiêu ước đạt và 05 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch) Quốc hội giao; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3%, bội chi ngân sách đạt 3,4%, thất nghiệp dưới 4%.
Để tiếp tục duy trì những thành tựu, kết quả đạt được và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về bất cập trong công tác xây dựng pháp luật ở một số lĩnh vực còn thiếu tính đồng bộ; vấn đề tăng trưởng kinh tế chưa phát triển theo chiều sâu; về những khó khăn, rào cản cho phát triển nông nghiệp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ở một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển; vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các hộ kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực độc quyền của Nhà nước như xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…; cơ chế đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; vấn đề ưu tiên đầu tư dự án cơ sở hạ tầng kết nối giữa miền núi và đồng bằng; vấn đề nguy cơ, sự thiếu an toàn tại các cơ sở y tế; xây dựng cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập; tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải trong khai thác nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước, không khí; tăng cường biện pháp giảm tai nạn giao thông; quản lý chặt chẽ việc cấp phép, phát hành các ấn phẩm du lịch, điện ảnh; xem xét lại công tác tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia; về môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân; xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp; phát triển văn hóa bền vững, phát huy vai trò làm chủ của người dân; quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội; sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% vào năm 2020 trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu và đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với các 12 nhiệm vụ, giải pháp lớn được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các giải pháp cụ thể như: Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ; có chính sách thu hút người tài vào làm việc và cống hiến cho khu vực công; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hoàn thiện các quy định của pháp luật để tránh gian lận thương mại; loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà trong môi trường kinh doanh; cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng; vấn đề giảm nghèo cho đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế vùng biển, ven biển;…
- Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng chính sách thu ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, việc mở rộng cơ sở thuế chưa đạt yêu cầu; chưa có công cụ hữu hiệu để tránh thất thu ngân sách nhà nước; việc rà soát các ưu đãi thuế chưa được thực hiện; việc ban hành các văn bản dưới luật thực hiện Luật thuế chưa đầy đủ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế chưa thống nhất…
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngày mai, 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham gia thảo luận và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của Bộ, ngành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần