Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý kỳ vọng có thêm nhiều giải pháp hay

Phương Nga - Ngọc Trâm - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (8/11), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống Covid-19. Nhiều ý kiến sát sườn để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch đã được các đại biểu thảo luận. Giới chuyên gia, nhà quản lý, DN… kỳ vọng, Quốc hội sẽ thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới.

TS Võ Trí Thành: Mở rộng chính sách hỗ trợ cho DN
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của DN trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường, sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022. Bên cạnh việc giãn, hoãn, khoanh nợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. NHNN cần giữ ổn định thanh khoản chung của hệ thống, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay.
Đối với chính sách tài khóa, việc mở rộng phạm vi hỗ trợ gồm người dân và hộ kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh việc giãn, hoãn các khoản thuế phí, thuế đất… lựa chọn những ngành chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19 rất quan trọng. Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN. Vấn đề hiện nay là các giải pháp này có đủ không? quy mô ra sao? Thời gian thực hiện thế nào? Đặc biệt có chấp nhận mức thâm hụt ngân sách sâu hơn để cứu trợ nhiều hơn và dài hơn không?
 TS Võ Trí Thành
TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam: Cần thay đổi quy định làm thêm giờ trong thời gian ngắn hạn
Để DN vững tâm phát triển, trước tiên cần ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp theo, một nhiệm vụ cần phải đặt lên hàng đầu đó là tiếp tục phủ sóng vaccine. Ngoài những TP lớn, các tỉnh thành khác trong cả nước cũng phải được phổ rộng vaccine. Trong đó, tập trung tính toán đến phương án cho các em dưới 18 tuổi. Đồng thời có cơ chế ưu tiên trước sau, ưu tiên các bạn có bệnh nền trước, để đảm bảo giữ an toàn chung về sức khỏe cộng đồng và đảm bảo tâm lý yên tâm cho xã hội.
Chính phủ đã có Nghị quyết 28 về thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Tuy nhiên việc mở cửa nên làm từ từ, đặc biệt là việc đón khách du lịch quốc tế. Trước tiên ngành du lịch nên tập trung khai thác mảng khách nội địa, để công chuẩn bị kỹ càng hơn. Đây cũng là giải pháp phòng chống dịch.
Phục hồi kinh tế là một quá trình, trong đó giai đoạn đầu có tính quyết định. Do đó, thời điểm này phải tính toán mọi cách để DN và DN siêu nhỏ có thể phục hồi phát triển. Bởi nhóm DN này đã quá đuối sức. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các DN Nhà nước cần phải phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Bởi theo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng có nói nhiều đến vai trò của kinh tế Nhà nước. Mà các DN Nhà nước, tập đoàn Nhà nước và Tổng công ty Nhà nước hiện nay đang nắm giữ một lượng nguồn lực tài nguyên rất lớn của xã hội, một số mảng kinh doanh gần như độc quyền.
Một trong những việc cần làm nữa thời điểm này đó là tạo việc làm cho lao động. Xét về quy phạm pháp luật thì cần thay đổi lại quy định làm thêm giờ trong bối cảnh hiện nay. Theo Bộ Luật lao động, thời gian làm thêm giờ 1 năm là 300 giờ và khống chế thời gian trong tuần. Nhưng trong thời gian ngắn nên để cho họ tự thỏa thuận vấn đề đó. Giải pháp này vừa tạo điều kiện cho DN, vừa tăng thu nhập cho người lao động. Đây là nhu cầu bức xúc hiện nay.
 TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME
Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Nguyễn Xuân Thành: Đầu tư công và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế
Đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế, dân sinh bức xúc. Để kích thích kinh tế, trước hết phải đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng hạ tầng, giải ngân nhanh để thu hút đầu tư tư nhân.
Thời gian qua, sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động mạnh vào Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Thách thức với Việt Nam thời gian tới là giá hàng nhập khẩu tăng, chi phí logistics tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, chính sách hỗ trợ DN nên tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu; giải quyết vấn đề cảng biển, logistics. Chính vì vậy, việc hỗ trợ DN xuất khẩu phục hồi và duy trì chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các thị trường xuất khẩu lớn trong thời gian tới, là một trong những giải pháp quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong nước.
 Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Nguyễn Xuân Thành
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Cấp thiết cần có quy hoạch vùng sản xuất
Các ý kiến thảo luận tại Quốc hội đã khái quát đầy đủ tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông nông sản trên địa bàn Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Hiện, tình hình dịch cơ bản được TP kiểm soát, tuy nhiên hoạt động kinh doanh vẫn chưa trở lại ổn định. Đối với sản xuất, nhìn chung giá vật tư, nguyên liệu đầu vào trong các lĩnh vực còn cao, ảnh hưởng đến giá trị...
Đối với ngành nông nghiệp, cấp thiết hiện nay là cần có quy hoạch vùng sản xuất, tránh tình trạng canh tác nhỏ lẻ, mạnh mún, mỗi nơi trồng một ít. Bà con nông dân thì cây gì cũng trồng, con gì cũng nuôi, rồi mạnh ai người nấy tiêu thụ, không theo chuỗi liên kết, cũng không theo một chuỗi giá trị nào...
Thực tế trong dịch bệnh vừa qua, các chuỗi vẫn sống khỏe, trong khi canh tác nhỏ lẻ, tự phát thì gặp muôn vàn khó khăn... Do đó, đây là vấn đề cần được quan tâm, thúc đẩy trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị cho nông sản và tránh được tình trạng “sáng tươi chiều héo”, hoặc phải bán giá rẻ. Điều này cũng rất quan trọng trong định hướng xuất khẩu nông sản của Hà Nội và cả nước.
Riêng đối với Hà Nội, TP mong muốn các bộ ngành sẽ có cơ chế đặc thù để phát triển các phòng nghiên cứu công nghệ nông nghiệp, các trung tâm sản xuất giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao cung ứng cho cả nước. Định hướng lâu dài, mỗi địa phương cần chuyên môn hoá sản xuất, trên cơ sở phù hợp quy hoạch và đặc điểm kinh tế - xã hội, cũng như tiềm năng, lợi thế...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
TS Nguyễn Minh Phong: Tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế
Các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm đã bám sát tình hình thực tế, nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng.
Chính phủ cần sớm thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong, sau dịch Covid-19. Theo đó, từ nay đến quý I/2022, Chính phủ cần ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp các chính sách vĩ mô (gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ DN trụ vững qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tập trung cho những lĩnh vực có thiệt hại nặng nề nhất, như du lịch, hàng không, hỗ trợ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…
 TS Nguyễn Minh Phong
Bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, bởi đây tiếp tục là động năng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam; thúc đẩy đầu tư hạ tầng; đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số; tái cấu trúc, hiện đại hóa doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ khu vực tư nhân quốc tế hóa; huy động nguồn lực, đặc biệt từ thị trường vốn quốc tế, để tận dụng thời cơ phát triển trong thời gian tới.
Cùng với đó, rà soát tín dụng, quyết liệt trong đầu tư công, tập trung cải cách hành chính (trong đó có cải cách về thể chế, phân cấp, phân quyền) và cấp bách giải quyết thiếu hụt lao động ở một số địa phương.
Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực cho nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã đáp ứng được khả năng chống dịch trong dài hạn; ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống đường cao tốc, tạo điều kiện phát triển cho các tỉnh. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng, miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.