Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách: Lo lắng nợ công tăng cao

Công Thọ - Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT – XH, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Bộ máy hành chính còn “trên nóng dưới lạnh”

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ, điểm nổi bật nhất, căn bản nhất là cả 13 chỉ tiêu của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt. Đây là điều đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Đại biểu cũng chỉ ra nhược điểm của bộ máy hành chính là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Trong khi Chính phủ quyết liệt nhưng bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi không làm tròn nhiệm vụ. Đại biểu dẫn chứng về tình trạng buôn lậu. Trong báo cáo của Chính phủ có nêu “tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra”, nhưng trên thực tế tình trạng này đang phức tạp, “sôi động” trên cả đất liền và trên biển. Dẫn chứng thứ 2 là tình trạng phá rừng, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn không được đóng, những vụ phá rừng ở một số địa phương vẫn xảy ra.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) băn khoăn, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự động. Thứ hai là con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, xu nịnh…Đại biểu cũng góp ý các giải pháp ngăn chặn lợi ích nhóm, hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức "vô cảm”.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phương Hoa

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (Sơn La) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT - XH 2017, các chỉ tiêu kế hoạch KT - XH đặt ra cho năm 2018, tin tưởng năm nay sẽ đạt và vượt 13 chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, đại biểu góp ý với Chính phủ có giải pháp năng động trong điều hành để ứng phó với biến đổi khí hậu, để bảo vệ những thành quả đã đạt được về KT - XH của Nhà nước và Nhân dân trước tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông miền núi, nhất là những tuyến đường bị ảnh hưởng của mưa lũ; xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai; xử lý nghiêm các vi phạm chủ trương đóng cửa rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép...

Tăng trưởng cuối năm cao, đầu năm thấp

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) góp ý về tốc độ tăng trưởng, nhiều cử tri cho rằng, số liệu tăng trưởng các năm gần đây chưa hợp lý, tăng trưởng giữa các quý đột ngột, không theo logic thông thường, các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau giảm xuống rất nhanh và đột ngột. Nếu lý giải quý I là dịp Tết nên sản xuất giảm sút là không thuyết phục bởi dịp đầu năm được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên nếu có giảm cũng không thể quá sâu.

Lý do quy trình ngân sách theo năm, đầu năm chi ít cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh vì quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng vẫn phải chi các khoản khác và chi tiêu ngân sách, chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. Sản xuất không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP rơi tự do như diễn biến mấy năm gần đây.

Đại biểu dẫn chứng, quý IV/2015 tăng trưởng 7,01%, quý 1/2016 rơi xuống 5,48%, mức tăng trưởng này nhích dần, đến quý IV/2016 đạt mức cao là 6,68%, rồi lại giảm ngay ở quý I/2017 còn 5,1%, rồi lại tăng ở các quý tiếp theo… “Với số liệu trên, cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt, không có nghi vấn gì tăng trưởng có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường nên đề nghị Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục, không để tình trạng này xảy ra ở quý I/2018 và các năm sau” - đại biểu góp ý. Đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đẩy nhanh tiến độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách; sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018;..

Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu), bày tỏ đồng tình nhất trí cao với những đánh giá của Quốc hội về điều hành KT - XH và ngân sách Nhà nước năm 2017, đại biểu cũng góp ý về vấn đề cân đối ngân sách đối với các tỉnh miền núi; đổi mới thủ tục, sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền xững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2016 - 2020...

Đại biểu cũng góp ý về việc bố trí vốn triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện; góp ý đổi mới quy trình thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

4,2 triệu tỷ đồng nợ công vào 2020

“Đọc báo cáo tình hình thu chi ngân sách chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Nợ công đã lên tới 62,2% và đang tiếp tục tăng nhanh, trong khi kỷ luật tài khóa chưa nghiêm; Chi thường xuyên vẫn cao. Năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước” – Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nêu thực tế và đặt câu hỏi, với tư duy thu chi như vậy thì bao giờ mới bảo đảm an toàn nợ công?

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội bày tỏ lo ngại, thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn. “Nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7 - 8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng, ngân sách T.Ư nhiều năm chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên mà không đủ để chi đầu tư và trả nợ, nguồn trả nợ chủ yếu từ vay mới, khiến quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ”- vị ĐB này chỉ ra.

"Trong khi đó, qua thanh tra thấy nhiều khoản chi sai, công trình kéo dài chậm đưa vào sử dụng. Các dự án BOT trả chậm bằng ngân sách đã và sẽ đến thời hạn trả nợ"- Đại biểu Hoàng Quang Hàm nói và đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA; cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ, sắp sếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Nhiều đại biểu tỏ rõ băn khoăn lo lắng về công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng các dự án, khó phát huy hiệu quả nguồn vốn. Làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trần tình, Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên áp dụng, có kết quả nhưng cũng có vướng mắc.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần đầu tư hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, những bất cập trong quản lý BOT. Các vấn đề sẽ được các đại biểu thảo luận trong ngày 1 và 2/11…

Cần định vị rõ Việt Nam đang đứng ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để xác định cơ hội và giải pháp hành động phù hợp. Chính phủ cần tiên phong công bố chính sách phát triển công nghệ 4.0, đầu tư phân bổ ngân sách hợp lý phát triển khoa học, công nghệ; tập trung phát triển các khoa học công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, phát triển kinh tế chia sẻ...

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội)


Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao nhưng gần 60% DN của ta làm ăn trong tình trạng không có lãi. Số DN giải thể ngừng hoạt động lên tới 60.000 trên tổng số 100.000 DN thành lập… Chính vì thế Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,5 - 6,7%, không cao hơn so với năm 2017, là sự cẩn trọng cần thiết. Tuy nhiên, tăng trưởng phụ thuộc lớn vào DN FDI, đi liền với tăng nhập siêu... sẽ là thách thức với nền kinh tế.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình)


Nguồn thu năm 2018 cần cân nhắc cho hợp lý, việc tăng thuế VAT, TNDN chưa thuyết phục có thể gây phản ứng từ xã hội. Không nên tăng lãi suất và tình trạng bội chi 3,7% GDP cần phải giải trình rõ ràng, tăng lương 7% cần thực hiện sớm tránh kéo dài và không tăng biên chế. 

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre)