Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 18/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Kết quả cho thấy 93,17% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ: Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ ngày 8/6/2018 và tại Hội trường ngày 13/6/2018 về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và ý kiến các vị ĐBQH góp ý về Dự thảo Nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Uỷ ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và xin báo cáo Quốc hội một số nội dung, cụ thể như sau:
 Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Về thu ngân sách nhà nước: Một số ý kiến cho rằng, chất lượng dự báo và xây dựng dự toán chưa cao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, thu từ đất đai, tài nguyên còn lớn, cơ cấu thu khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2018 song đúng như các vị ĐBQH đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững. Tuy thu NSNN giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và vượt dự toán được giao nhưng số vượt thu chủ yếu tập trung ở các khoản thu từ đất đai. Mặc dù tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN tăng qua các năm song tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN năm 2018 mới chỉ đạt 80,7%, vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 84-85% tổng thu NSNN). Tiếp thu ý kiến ĐBQH, đề nghị Chính phủ sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành để nâng cao chất lượng công tác dự báo, tăng cường năng lực phân tích, xây dựng dự toán thu NSNN, từng bước đổi mới phương pháp lập dự toán thu ngân sách; ban hành và thực thi các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để cơ cấu lại nguồn thu theo hướng bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù ngành thuế đã có nhiều cố gắng song đúng như ý kiến các vị ĐBQH, tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để, phần nào thể hiện chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý thuế còn hạn chế. Do đó, đề nghị Chính phủ có biện pháp tích cực hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu kê khai thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế, bảo đảm nguồn thu cho NSNN.
Về chi ngân sách nhà nước: Có ý kiến cho rằng, nhiều khoản chi quan trọng như chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ không đạt dự toán. Tình trạng chi ngân sách chưa đúng chế độ, đúng tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đúng như các vị ĐBQH đã nêu, các hạn chế nêu trên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, đề nghị Chính phủ tích cực, chủ động hơn trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để điều hành NSNN theo đúng dự toán đã được phê duyệt, đặc biệt lưu ý đối với các lĩnh vực chi quan trọng; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tiết kiệm chi, chủ động dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán và chuyển nguồn sang năm sau; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm, minh bạch các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Có ý kiến cho rằng, số chuyển nguồn có xu hướng gia tăng, kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) rất lớn; phân bổ vốn đầu tư công còn bất cập; bố trí vốn cho địa phương còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, sử dụng vốn chưa hiệu quả. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hạn chế nêu trên là tình trạng đã diễn ra trong nhiều năm, các vị ĐBQH đã nêu ý kiến và mặc dù Chính phủ đã triển khai các giải pháp song các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, nhiều nhiệm vụ chi cần thiết khác chưa được bố trí đủ nguồn nhưng chuyển nguồn gia tăng, kết dư NSĐP lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sát sao hơn để khắc phục triệt để tình trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Về bội chi ngân sách nhà nước: Có ý kiến cho rằng, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau, mặc dù số bội chi năm 2018 thấp hơn dự toán bội chi NSNN song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của ĐBQH là xác đáng và cho rằng, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành NSNN.
Về một số nội dung khác: Có ý kiến cho rằng tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn chưa cao, việc báo cáo xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội nhiều năm chậm trễ, mức độ xử lý chủ yếu là kiểm điểm, phê bình, ảnh hưởng đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến các vị ĐBQH, việc xử lý nghiêm và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách là cần thiết để công khai, minh bạch trong xử lý sai phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị Kiểm toán Nhà nước còn chưa triệt để, chưa tổng hợp báo cáo số thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán lũy kế để phản ánh đúng tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, việc báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của Chính phủ các năm chậm, kỳ họp này đến ngày 9/6/2020 mới báo cáo. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội lũy kế kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước khi trình quyết toán. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo để khắc phục tình trạng gửi báo cáo chậm và cũng cần quan tâm đến mức độ xử lý để đảm bảo nghiêm minh trong quản lý, sử dụng NSNN.
Có ý kiến đề nghị báo cáo rõ các khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện quyết toán. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Chính phủ đã giải trình cụ thể về khoản chi đầu tư này, sơ suất là do phê duyệt chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chưa đồng bộ, thống nhất, chưa bao quát hết các dự án của các chương trình mục tiêu chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015. Các dự án này thực hiện tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận bổ sung cân đối của ngân sách Trung ương, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang. Mặc dù chưa được quy định rõ trong các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 nhưng đều thuộc phạm vi các chương trình mục tiêu của giai đoạn 2011-2015. Các dự án đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, hầu hết đã hoàn thành, đưa vào hoạt động phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép quyết toán khoản chi này và đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm.
Có ý kiến cho rằng việc phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại quá chậm, việc điều chỉnh dự toán các khoản tiết kiệm chi thường xuyên của Bộ Tài chính sang chi đầu tư chưa kịp thời, khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán mới trình phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại và điều chỉnh dự toán chi làm cho công tác quyết toán mang tính hình thức. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy vốn viện trợ không hoàn lại khó dự báo chính xác; việc tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư là cố gắng, nỗ lực lớn, cần khuyến khích nhưng đồng tình với ý kiến của ĐBQH việc trình Quốc hội phân bổ và điều chỉnh dự toán quá chậm nên Chính phủ cần rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng này. Xin Quốc hội cho phép phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại và điều chỉnh dự toán chi NSNN như Chính phủ trình.
Có ý kiến đề nghị sớm ban hành chuẩn mực kế toán công nhằm hoàn thiện báo cáo tài chính nhà nước để cùng với báo cáo quyết toán NSNN phản ánh toàn diện bức tranh về NSNN phục vụ Quốc hội thảo luận và phê chuẩn quyết toán NSNN. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy năm 2018 là năm đầu tiên lập báo cáo tài chính nhà nước nhưng chế độ kế toán còn chưa tương thích để cung cấp số liệu lập báo cáo tài chính nhà nước; cơ sở dữ liệu để lập báo cáo tài chính nhà nước chưa đầy đủ nên báo cáo tài chính nhà nước chưa phản ánh chính xác tình hình tài chính nhà nước. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành chuẩn mực kế toán công và hoàn thiện các căn cứ, cơ sở dữ liệu để nâng cao chất lượng của công tác lập báo cáo tài chính nhà nước.
Về kỹ thuật văn bản của Dự thảo Nghị quyết: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH về một số vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày, bố cục để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn theo quy định./.