Hình mẫu chống Covid-19 với chi phí thấp
Mới đây, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh có bài viết nhan đề "Việt Nam, một hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 với chi phí thấp", trong đó đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch đang bùng phát trên toàn cầu.
Financial Times ca ngợi mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam |
Theo ghi nhận của phóng viên thường trú Financial Times ở Hà Nội, "khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về virus corona của Chính phủ".
Đó là lúc dịch bệnh đang hoành hành ở biên giới với Trung Quốc và Thủ tướng đã cảnh báo dịch sẽ sớm lan đến Việt Nam. "Chống dịch như chống giặc", Thủ tướng Việt Nam đã nói như vậy ngay từ cuối tháng 1. Kể từ đó, Việt Nam - quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm chính trị cao - đã cho thấy mô hình phòng chống dịch bệnh của mình có hiệu quả.
Thay vì theo đuổi mô hình xét nghiệm hàng loạt và số lượng lớn như các nước Hàn Quốc, châu Âu, Việt Nam tập trung vào việc cách ly những người nhiễm Covid-19 và giám sát những người có tiếp xúc với nguồn bệnh.“Điều quan trọng là phải nắm bắt được số lượng người có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc đi từ vùng dịch về, sau đó, thực hiện xét nghiệm trên những người này. Ngoài xét nghiệm, các biện pháp kiểm tra và cách ly cũng rất quan trọng”, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay.
Ngoài việc xét nghiệm người có triệu chứng, Việt Nam còn áp dụng cách ly bắt buộc và huy động sự chung tay góp sức của các sinh viên y khoa năm cuối, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu."Việt Nam có lực lượng an ninh lớn, chính phủ điều hành theo ngành dọc, vốn rất hiệu quả trong ứng phó với thiên tai", giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales Canberra nhận xét.
Phản ứng chủ động, nhất quán trước dịch bệnh
Theo Financial Times, cũng như những nước Đông Nam Á khác, với việc xét nghiệm còn hạn chế, số ca nhiễm thực sự có lẽ cao hơn nhiều so với báo cáo. Nhưng phản ứng của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.Việt Nam đã dừng tất cả chuyến bay hai chiều với Trung Quốc vào ngày 1/2. Trường học ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM cùng nhiều tỉnh thành khác đều đóng cửa.
Ngày 13/2, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 2 sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư rộng lớn. Giới chức bắt buộc cách ly 21 ngày tại một phần tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có hơn 10.000 người sinh sống sau khi có nhiều ca nhiễm đến từ công nhân trở về từ Vũ Hán - tâm dịch khi đó.
Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Hà Nội, đã ca ngợi Việt Nam vì sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch.Việt Nam đang kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cũng nhờ một phần vào việc huy động nhân viên y tế, quân sự, mạng lưới thông tin. Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch bệnh, các quan chức dường như đã minh bạch về sự bùng phát của dịch.Bộ Y tế Việt Nam cũng gửi tin nhắn văn bản thường xuyên đến người dân, bao gồm tin tức và các lời khuyên về phòng dịch Covid-19.
Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam (công ty nghiên cứu thị trường) cho thấy hầu hết mọi người đều biết rõ triệu chứng của bệnh. Các nỗ lực đối phó với Covid-19 của chính phủ đã thu hút được sự ủng hộ của mọi người, có thể thấy thông qua các bài đăng cổ vũ nhân viên y tế trên mạng xã hội hay các tranh vẽ tuyên truyền bằng khẩu hiệu: "Ở nhà là yêu nước!". Việt Nam cũng nặng tay với các tin tức giả về dịch bệnh. Cảnh sát đã triệu tập và phạt khoảng 800 người chia sẻ tin giả.
“Mạng lưới cung cấp thông tin ở Việt Nam cũng rất hiệu quả. Hàng xóm có thể biết thông tin người vừa từ nước ngoài trở về. Nếu như có người nhiễm bệnh trong khu vực, người dân sẽ báo cáo cho chính quyền”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viên Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, chia sẻ với Financial Times.
Bài viết trên Asia Times về công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam |
Trong khi đó, trang Asia Times đăng bài phân tích của nhà báo David Hutts, trong đó nhận định "Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh" ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước. Asia Times cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, nhấn mạnh lãnh đạo Việt Nam “đã chủ động trong hành động”, với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập ra một ban chuyên trách theo dõi tình hình các cấp gồm quốc gia, tỉnh và địa phương; Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Nhiều tờ báo khác trên thế giới như The New York Times, trang U.S. News & World Report.. cũng đã đăng tải, ghi nhận các biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, như đình chỉ chế độ miễn thị thực cho công dân một số nước, đóng cửa các trường học, các rạp chiếu phim, câu lạc bộ và quán bar, tiệm massage, phòng karaoke và trung tâm trò chơi trực tuyến trong khu vực đô thị ngừng hoạt động cho đến hết tháng 3/2020... Hãng tin Bloomberg lưu ý đến biện pháp của Việt Nam mở rộng diện tích cách ly để bố trí những người Việt trở về nước từ các quốc gia khác, theo đó Quân đội Việt Nam đã dành các cơ sở có sức chứa 60.000 người phục vụ cách ly.
Ví dụ thành công tại Đông Nam Á
Trong bài bình luận đăng trên trang Scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17/3, có đoạn nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore.
Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19. Bài báo nêu một số biện pháp Việt Nam áp dụng để ngăn chặn virus lây lan.
Biện pháp đầu tiên là việc ra mắt 2 ứng dụng khai báo sức khỏe cho người dân, một cho công dân Việt Nam và một cho người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Mọi người được yêu cầu liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân để Chính phủ có cơ sở dữ liệu ổn định.
"Bí quyết" thứ hai là Việt Nam đã sản xuất bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đạt chuẩn WHO nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm.Biện pháp quan trọng thứ ba là lắp đặt "buồng" khử trùng di động phục vụ cho mọi đối tượng người dân. Buồng có hệ thống máy phun chất khử trùng dạng sương mù 360 độ, được cho là có thể loại bỏ 90% vi khuẩn và virus trên cơ thể.
Trước đó, The Diplomat cũng đăng một bài viết đề cập tới những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bài viết nhận định, trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Theo bài viết, trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân. Những biện pháp này đã được chứng minh hiệu quả và cho thấy kết quả tích cực ở Việt Nam.