Quỹ bình ổn chi chưa ổn?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, câu chuyện về giá xăng dầu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận bởi nó ảnh hưởng sát sườn đến đời sống sản xuất, kinh doanh của hàng trăm nghìn DN, hàng chục triệu người dân Việt Nam.

Song, vấn đề thu hút nhiều ý kiến trái nhiều, thậm chí gây bức xúc trong dư luận đó là sự minh bạch trong điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan quản lý là liên Bộ Công Thương – Tài Chính.
  Người tiêu dùng mua xăng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Thanh Hải

giá xăng, dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính phải chăng có vấn đề? Đó hẳn là câu hỏi của phần lớn người dân khi đúng vào lúc nhu cầu tiêu dùng giảm tối đa (nhiều tỉnh, thành phong tỏa, giãn cách xã hội do dịch Covid-19) thì liên Bộ quyết định xả Quỹ bình ổn, để đến khi giá xăng lập đỉnh lịch sử (kỳ điều hành 10/11) lúc bất ổn nhất của thị trường thì liên Bộ lại tuyên bố âm Quỹ bình ổn. Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Quỹ bình ổn tại 15 DN xăng dầu đầu mối lớn đang bị âm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng do trích quỹ để giữ giá bán lẻ trong nước. Con số âm 1.500 tỷ đồng càng làm cho câu chuyện giá xăng dầu thêm tăng nhiệt. Bởi theo phản ánh của nhiều người dân, đại diện DN, thực chất Quỹ bình ổn lấy tiền của người mua xăng dầu để bình ổn giá cho chính họ. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ bình ổn này không ổn chút nào khi việc điều hành quỹ thiếu minh bạch do chưa có quy định rõ ràng để lý giải khi giá xăng tăng bao nhiêu phần trăm sẽ trích quỹ bao nhiêu? Hay khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng quỹ? Đó là chưa kể, việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian vừa qua theo hướng tăng mạnh nhưng giảm nhỏ giọt, gây bức xúc cho người dân, DN. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho không ít cá nhân, tổ chức có ý kiến đề xuất nên bỏ hẳn Quỹ bình ổn.

Không thể phủ nhận giá xăng tăng là một trong những nhân tố gây ra lạm phát tăng. Điều này sẽ tác động gây khó khăn, tăng chi phí cho các DN, kéo theo sự tăng giá thành sản phẩm, đặc biệt là dẫn tới hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế. Còn nhớ, trong cuộc họp vào hồi tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng. Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 tháng, nhiệm vụ đề xuất các biện pháp giảm thuế phí trong giá thành xăng dầu vẫn trong tình trạng “đang nghiên cứu”. Điều này thật khó có thể chấp nhận!

Vẫn biết, mục tiêu số 1 của Chính phủ hiện nay và những năm tới vẫn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đó cũng là lý do nước ta vẫn duy trì Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình bãi bỏ Quỹ bình ổn để mặt hàng xăng dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật Giá mà không cần Quỹ bình ổn. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế với thế giới thì việc chấp nhận theo giá xăng quốc tế là điều hiển nhiên và thuận theo cơ chế thị trường.

Có thể khẳng định, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Khi nó được điều tiết theo giá thị trường, dù có cao hay thấp nhưng minh bạch thì người dân, DN sẵn sàng đón nhận. Còn một khi duy trì Quỹ bình ổn mà lại thiếu minh bach, rõ ràng thì người dân, DN phản ứng là lẽ đương nhiên. Vì thế, việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn cần thiết được Chính phủ và bộ, ngành liên quan nghiên cứu, quyết định.