Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức, bộ máy thay đổi, nhưng với Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội, đây không phải là lực cản, mà chính là cơ hội để vươn lên mạnh mẽ, theo đúng tên gọi cũng như kỳ vọng của TP.

Tăng hiệu quả, giảm rủi ro
Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội được tổ chức lại theo Quyết định số 418 ngày 21/1/2017 của UBND TP trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển TP (cũ), Quỹ Phát triển đất TP và Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội trực thuộc Sở TN&MT với mức vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Quỹ được quy định cụ thể tại Quyết định số 8422/QĐ-UBND ngày 4/12/2017 với các nhiệm vụ: Huy động vốn; đầu tư trực tiếp; cho vay; góp vốn thành lập DN; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn và hoạt động Quỹ Phát triển đất, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa và thực hiện một số nhiệm vụ khác được TP giao.

Tổng Công ty May 10 – CTCP (May 10) đã chào sàn UPCoM đầu năm 2018.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội Chu Nguyên Thành, ngay sau khi hợp nhất, Quỹ đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định và duy trì tổ chức bộ máy. Đồng thời chủ động tham mưu, xây dựng các văn bản pháp lý cho tổ chức và hoạt động; khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động, đảm bảo hiệu quả cao nhất dù khối lượng công việc rất lớn.

Tổng số dự án đang quản lý cho vay hiện nay là 17 dự án; doanh số cho vay là 603,7 tỷ đồng, dư nợ 204,5 tỷ đồng. Từ khi hợp nhất đến nay đã thẩm tra, giải quyết cho vay 4 dự án thuộc các lĩnh vực điện, giáo dục, môi trường, nước sạch với giá trị 280 tỷ đồng, giải ngân 70,6 tỷ đồng. Công tác quản lý sau vay được đảm bảo kịp thời, an toàn, không có nợ xấu xảy ra. Đối với nhiệm vụ nhận ủy thác quản lý nguồn vốn và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ đang quản lý sau vay 12 dự án với tổng doanh số cho vay là 240 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay là 180 tỷ đồng.

Theo đúng tinh thần đồng hành, hỗ trợ DN, Quỹ đã rà soát, hoàn thiện quy trình thẩm tra cho vay và quản trị rủi ro theo hướng tinh giản hồ sơ, thủ tục. Đồng thời chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác thẩm định, từ đó nâng cao chất lượng thẩm tra, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, hạn chế được rủi ro và đảm bảo việc thu hồi đầy đủ và kịp thời nợ vay, bảo toàn không để thất thoát vốn TP giao. Nhờ đó, trong năm 2017, Quỹ đã ký kết các hợp đồng tín dụng với tổng giá trị 280 tỷ đồng và không có nợ xấu.

Minh bạch, thông thoáng hơn

Tổng Giám đốc Chu Nguyên Thành cho biết: Trong năm 2018, Quỹ đặt ra mục tiêu nâng cao hơn nữa khả năng sử dụng vốn, trong đó trọng tâm là hoạt động cho vay đầu tư, góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Theo đó, Quỹ sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hoạt động tới các DN, hiệp hội... trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động cho vay đầu tư, cho vay trong các lĩnh vực môi trường. Chủ động tiếp cận, làm việc với các chủ đầu tư để tìm hiểu nhu cầu, hồ sơ vay vốn, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ vay vốn với mục tiêu công khai, minh bạch, thông thoáng, dễ hiểu và dễ tiếp cận, rút ngắn thời gian, quy trình thẩm tra.

Trong thời gian tới, Quỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp vốn cho vay. Mở rộng các đối tác tham gia hợp vốn ra các tổ chức có nguồn đầu tư dài hạn, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát huy đầy đủ vai trò là “nguồn vốn mồi” thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng thời sử dụng vốn của Quỹ với vai trò là “vốn mồi” trong các kênh đầu tư, huy động vốn, nhằm định hướng và thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. “Quỹ cam kết tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ về nguồn vốn cũng như giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm tra, tạo thuận lợi cho DN và các nhà đầu tư” - bà Chu Nguyên Thành khẳng định.