Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định hành nghề khám chữa bệnh: Chưa bao phủ hết các đối tượng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nên hay không nên quy định thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề, đó là quy định nhận được nhiều sự quan tâm khi Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra thảo luận.

Kiểm tra ung thư đại tràng bằng phương pháp nội soi tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc. Ảnh: Việt Dũng
Nhiều bất cập cần sửa đổi
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, kể từ khi được ban hành, có hiệu lực, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau 9 năm đi vào cuộc sống, Luật đã nảy sinh một số bất cập và cần được quan tâm xem xét sửa đổi như: Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; việc cấp chứng chỉ hành nghề; đăng ký hành nghề; việc cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh…
Dự Luật cần tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm hướng tới việc xây dựng nền y tế Việt Nam có tính chất “vì dân, của dân, do dân”. Tiếp tục coi nghề y là một nghề đặc biệt và nâng cao đạo đức y tế là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh
Một trong những bất cập của Luật hiện hành được chỉ ra là chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám, chữa bệnh trong thực tế, gây khó khăn cho người hành nghề cũng như cơ sở khám, chữa bệnh. Để khắc phục tình trạng này, theo lãnh đạo Bộ Y tế, Dự Luật sẽ không quy định đối tượng phải cấp chứng chỉ hành nghề theo bằng cấp đào tạo mà chỉ quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề gồm: Bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, cấp cứu viên ngoại viện, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Theo các ý kiến, nhìn từ thực tế, đa số sinh viên ra trường có bằng do các trường khác nhau với hình thức đào tạo khác nhau, để có chứng chỉ hành nghề cần có một kỳ thi chung trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm tính an toàn trong quá trình hành nghề. 
Để nâng chất lượng nghề nghiệp
Từ thực tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề vẫn chưa đầy đủ. Đơn cử, đối với các kỹ thuật viên y học cổ truyền đi học Trung Quốc về, châm cứu giỏi, hành nghề phục vụ Nhân dân tốt nhưng lại không có chứng chỉ hành nghề. Thậm chí, hiện nay có hàng trăm người, trong đó có cả những người đã đi giảng dạy nhưng phải có người đi kèm theo vì không có... chứng chỉ hành nghề. Do đó, Dự Luật cần nghiên cứu kỹ hơn để tránh gây thiệt thòi cho những người hành nghề y.
Liên quan đến thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề, thực tiễn thời gian qua, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và được cấp không thời hạn. Theo một số ý kiến, việc không xác định thời hạn chứng chỉ hành nghề đã không tạo ra được cơ chế để giúp cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề. Do đó, việc quy định có thời hạn với việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ giúp theo dõi và bắt buộc người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục để tăng cường chuyên môn hành nghề sau khi được cấp giấy phép lần đầu. Đồng thời, có những quyết sách quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ y tế sát với thực tiễn khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên quy định “cứng” là 5 năm với chứng chỉ hành nghề kể từ khi cấp hoặc gia hạn. Thực tiễn nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành với nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì không nhất thiết phải thi lại để cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, để bảo đảm hài hòa, nhiều ý kiến đề nghị, trong 15 năm đầu kể từ ngày cấp thì có thời hạn 5 năm, còn sau đó thì 10 năm cấp lại 1 lần.