Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định hưởng chế độ khi có 2 thẻ bảo hiểm y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi đang đi làm tại DN có tham gia BHXH và được công ty cấp thẻ BHYT. Đồng thời, tôi có một thẻ BHYT thuộc đối tượng dân tộc. Vậy tôi muốn hỏi, khi đi khám chữa bệnh, tôi sẽ sử dụng thẻ BHYT thế nào và chế độ được hưởng ra sao?, Lê Minh Thùy - huyện Ba Vì, Hà Nội.

 Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về y tế tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Bảo hiểm Xã hội Hà Nội trả lời:

Theo Điểm h, Khoản 3, Điều 12 Luật BHYT quy định: Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng. Điểm a, khoản 1, Điều 22 Luật BHYT quy định: Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hưởng với mức bằng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT.

Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 của BHXH Việt Nam về mã số ghi trên thẻ BHYT, ký hiệu K1 quy định: Là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật. Theo đó, căn cứ vào các quy định nêu trên, chị Thùy thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT và hưởng bằng 100% mức hưởng.

Việc chị có thẻ BHYT tại DN, đồng nghĩa với việc chị thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Luật BHYT (người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng). Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật BHYT, chị được hưởng bằng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Về quyền lợi của người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT: Tại Khoản 2, Điều 13 Luật BHYT quy định: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau theo quy định thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 Luật này; trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Đối chiếu với các quy định, chị thuộc đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất (tức là đối tượng dân tộc có mức hưởng 100%). Tuy nhiên, chị không thể cùng một lúc sở hữu, sử dụng và hưởng quyền lợi đồng thời 2 thẻ BHYT, vì vậy, đề nghị chị thực hiện thủ tục chuyển đổi mã quyền lợi thẻ BHYT với cơ quan BHXH.