Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định rõ thông tin nào không được công khai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Báo chí sửa đổi có điểm mới so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Trước hết, tôi ủng hộ chủ trương sửa đổi Luật Báo chí, bởi sau 26 năm ban hành (1989) và 16 năm sửa đổi lần 1 (1999), Luật Báo chí đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp 2013 cũng như pháp luật quốc tế.
Người dân cập nhật thông tin về Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI               trên ấn phẩm báo chí. 	Ảnh: Công Hùng
Người dân cập nhật thông tin về Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI  trên ấn phẩm báo chí.          Ảnh: Công Hùng
Điều 25 Hiến pháp 2013 đã quy định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hệ thống các văn bản luật thể chế quy định trên như Bộ luật Dân sự, Tố tụng dân sự, Luật Báo chí, Luật DN, Luật Đầu tư… ở các góc độ khác nhau đều chưa cụ thể hóa hết các quyền mà Hiến pháp đã quy định.

Vấn đề thứ hai, bản thân Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành với tư cách là Luật trực tiếp điều chỉnh quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, tổ chức, Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí cũng chưa xử lý hết các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Chẳng hạn: Khoản 1, Điều 15 Luật Báo chí quy định: “Nhà báo có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.

Hoặc như, Điều 6 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: Thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Điều 7 về cung cấp thông tin cho báo chí: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành Luật Báo chí đã có trường hợp nhà báo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lộ bí mật Nhà nước do việc đăng thông tin vụ án đang điều tra. Vấn đề thông tin nhà báo đăng là chính xác và điều quan trọng là thông tin sử dụng đó do người có trách nhiệm cung cấp. Thông tin đó thuộc nội dung của một vụ án hình sự thông thường, không phải thuộc vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, vì vậy không thể xem thông tin đó thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định hiện hành. Thông tin mà nhà báo sử dụng phù hợp với quy định của Điều 6, Điều 7 Luật Báo chí nêu trên và thực sự đã phát huy tác dụng chống tiêu cực, góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Vì vậy, để tránh trường hợp xử lý thiếu căn cứ pháp luật như đã xảy ra trong thực tiễn nói trên, đề nghị Luật Báo chí sửa đổi phải quy định cụ thể hơn những đối tượng nào nhà báo không được tiếp cận để lấy thông tin và những thông tin nào không được công khai trên báo chí, thời điểm nào mới được đăng thông tin.

Vấn đề thứ ba, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang có chủ trương xây dựng các Luật mới nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người phù hợp với xu thế phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình… Nội dung các Luật này đều liên quan trực tiếp đến hoạt động báo chí. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí lần này phải tiếp cận thông tin với nội dung các Luật nói trên nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người, quyền làm chủ của Nhân dân.