Cụ thể hóa các quy định
Để xây dựng các nghị định chất lượng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng các Nghị định phải bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, kỷ luật... đối với CBCCVC.
Kế thừa quy định còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực CBCCVC. Đồng thời, thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực CBCCVC, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện.
Đặc biệt, đối với nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát và quy định nhằm bảo đảm việc giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đồng thời yêu cầu cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; rà soát, bổ sung các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Đảng về công tác cán bộ.
Nghị định quy định về đánh giá và phân loại CBCCVC cũng sẽ phải rà soát, kết hợp quy trình đánh giá Đảng, đoàn thể, chính quyền để bảo đảm không trùng lắp, giảm thủ tục hành chính; quy định chi tiết tiêu chí các mức phân loại đánh giá CBCCVC...
Đánh giá gắn với kết quả cụ thể
Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua, đã bổ sung nhiều quy định mới về tuyển dụng, đánh giá CBCCVC. Trong đó, về tuyển dụng công chức, nếu Luật trước đây chỉ nêu một trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo..., Luật mới đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học...
Nếu trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các Thông tư số 03/2019/TT-BNV, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP... nhưng chưa được luật hóa thì nay Luật sửa đổi, bổ sung đã mở rộng cơ hội được tuyển vào cán bộ, công chức hơn đối với nhiều người.
Bên cạnh đó, Luật cũng tập trung sửa đổi những quy định còn vướng mắc từ thực tiễn thực hiện liên quan đến đánh giá CBCCVC. Có thể nói cùng với quá trình chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang vị trí việc làm thì công tác đánh giá CBCCVC hiện nay “là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.
Để khắc phục, Luật đã bổ sung quy định đánh giá CBCCVC theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức ở nước ta công tác trong các lĩnh vực rất rộng với những đặc thù khác nhau phụ thuộc vào từng công việc, vùng miền. Vì vậy, Luật cũng quy định giao người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định phù hợp với địa phương, bộ, ngành mình, bảo đảm đúng tiêu chí được đề ra.
Nhằm triển khai thi hành Luật, năm 2020, Chính phủ sẽ ban hành 5 nghị định, thay thế các nghị định hiện hành gồm: Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức; Nghị định về xử lý kỷ luật CBCCVC; Nghị định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN. |