Khu vực này được đánh giá hội đủ yếu tố để hình thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ nhằm thu hút lượng lớn cư dân nội đô.
Phát triển đô thị còn chậm
Là đô thị cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, thuộc chuỗi đô thị mới Bắc sông Hồng, theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Đông Anh là địa bàn được định hướng phát triển đô thị hiện đại kiểu mẫu. Hiện trên địa bàn huyện Đông Anh có hơn 90 đồ án, dự án đã và đang triển khai, được chấp thuận chủ trương.
Phía Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là khu vực chủ yếu phát triển mới, hình thành các khu đô thị mới đồng bộ hiện đại. Ảnh: Nguyễn Linh |
Trong đó có những dự án lớn như Công viên Kim Quy có quy mô khoảng 190ha; Khu công nghệ thông tin tập trung quy mô ước tính 70,8ha; Trung tâm triển lãm Quốc gia với quy mô hơn 90ha; Khu đô thị thông minh theo trục Nhật Tân - Nội Bài dài gần 12km với diện tích khoảng 20km2…
Tuy nhiên, nhìn nhận về quá trình phát triển đô thị tại huyện Đông Anh hiện nay, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, KTS Đỗ Thanh Tùng cho rằng, thực trạng quá trình phát triển đô thị diễn ra tương đối chậm. Ngoài một số tuyến giao thông chính đã hình thành, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch chung chưa được đầu tư xây dựng. Các dự án lớn hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được triển khai xây dựng. Các cơ sở kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch hầu hết có quy mô nhỏ, phát triển tự phát, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn huyện, tập trung tại khu vực trung tâm huyện và kề cận Khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Tốc độ tăng dân số chậm so với định hướng quy hoạch... Theo KTS Đỗ Thanh Tùng, trên cơ sở quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và các dự án đầu tư xây dựng đô thị tại phía Bắc Sông Hồng được duyệt cần đề xuất giải pháp tập trung đầu tư xây dựng “khung” giao thông và “khung” hạ tầng kỹ thuật, cùng với vấn đề thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài làm hạt nhân kích thích, lan tỏa sự phát triển khu vực. Cũng như đề xuất khai thác lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến giao thông đối ngoại, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh…
Cần quyết sách mạnh mẽ
Các chuyên gia về quy hoạch, xây dựng đều nhấn mạnh vị trí, vai trò của khu vực Bắc sông Hồng trong phát triển Thủ đô. Trong đó, Đông Anh là cơ hội tốt cho Hà Nội giải quyết việc giãn dân nội đô và hình thành một khu vực đô thị mới đồng bộ, hiện đại, sánh tầm quốc tế. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu, cần có những quyết sách mạnh mẽ để không làm lỡ cơ hội cho Hà Nội.
Đầu năm 2019, phát biểu tại cuộc họp với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải chủ động phối hợp với TP Hà Nội để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo hướng phát triển mạnh khu vực Bắc Sông Hồng để giãn dân nội đô. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh, hiện nay, giải pháp và chính sách giãn dân của Hà Nội chưa thật rõ ràng. Nhưng một điều thấy rõ, Hà Nội đang tăng mạnh dân số vào nội đô và tình trạng phát triển nhà cao tầng ngày một tăng. Hà Nội có các cây cầu bắc qua sông Hồng sang khu vực Đông Anh, cầu Nhật Tân nối với sân bay Nội Bài và tới đây có thêm cầu Tứ Liên… Sự kết nối Đông Anh – Hồ Tây – Khu vực trung tâm Hà Nội trở nên gần gũi, không còn xa lạ. Do vậy, việc giãn dân sang Đông Anh là hoàn toàn khả thi.
Để nhanh chóng thu hút được dân cư đến khu vực này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng, bên cạnh tập trung xây dựng khung giao thông và hạ tầng kỹ thuật còn cần đẩy nhanh tiến độ hình thành các cụm công nghiệp với tính chất công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu và phát triển như Công viên công nghệ phần mềm, Khu công nghiệp Nguyên Khê...
Thực tế cho thấy sau khi hình thành các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Quang Minh, tại khu vực phụ cận có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số cơ học tăng mạnh, góp phần bước đầu phát triển các khu ở mới với các công trình thương mại, dịch vụ đi kèm.