Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề hầu hết có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vì vậy, một trong những giải pháp tất yếu là cần sớm xây dựng các cụm làng nghề tập trung, di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm... Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai việc xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, song qua đó cũng phát sinh không ít khó khăn.
Sản xuất phân tán, khó xử lý chất thải

Tại làng nghề kim cơ khí Đại Tự, hiện nay, đa phần các cơ sở sản xuất đều tận dụng mặt bằng trong khu đất ở của gia đình để sản xuất, nhưng sau đó dần mở rộng quy mô, mặt bằng trong khu dân cư cũng không đáp ứng được. Hơn nữa, quá trình sản xuất còn tạo ra tiếng ồn lớn; công đoạn phun sơn khiến không khí bị ô nhiễm nặng nề… Do thiếu mặt bằng sản xuất, không ít hộ đã phải thuê mướn đất làm xưởng sản xuất, thậm chí lấn chiếm đất ruộng đồng làm xưởng sản xuất, bất chấp việc xử phạt của chính quyền. Cũng do chưa có điểm sản xuất tập trung nên các hộ không bố trí được quy trình sản xuất hợp lý khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm bởi không khí, nước thải, chất thải sau sản xuất.
 Sản xuất tại làng nghề kim cơ khí Đại Tự.   Ảnh: Trường Phong
Tại làng nghề chế biến nông sản Cộng Hòa, với quy mô sản xuất khoảng từ 10 -20 tấn sắn/ngày, nên lượng chất thải rất lớn. Vào lúc cao điểm, do mặt bằng chật hẹp, các hộ còn đắp đống bã sắn ven đường. Hầu hết cơ sở sản xuất vẫn nằm trong khu dân cư, dẫn đến giao thông liên thôn, xóm hết sức khó khăn. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản đã xả nước thải thẳng ra các kênh tiêu nước sinh hoạt chung trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Đây là thực trạng chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động sản xuất trong khu vực làng nghề có quy mô nhỏ (chủ yếu là hộ gia đình), nằm phân tán trong khu dân cư, hầu hết không có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải nên lượng rác thải, bã thải lớn từ các làng nghề không thể thu gom và xử lý kịp, nhiều làng nghề rác thải đổ bừa bãi ven đường đi và các khu đất trống. Chưa kể, một số làng nghề kim cơ khí, mộc... tiếng ồn và bụi rất lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công nghệ, xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc kêu gọi, huy động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường cũng rất khó khăn.

Cần sớm có khu sản xuất tập trung

Với thực trạng trên, theo các chuyên gia, để xử lý vấn đề môi trường tại các làng nghề cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, có tính bền vững. Đặc biệt, cần sớm có quy hoạch không gian các làng nghề gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tách riêng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xa khỏi khu dân cư; Xây dựng hệ thống xử lý rác thải để hạn chế tác nhân làm vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn thêm trầm trọng…

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã xây dựng 21 cụm công nghiệp tập trung tại các làng nghề để các cơ sở sản xuất làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư với diện tích theo quy hoạch gần 300ha. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề cũng có nguyện vọng muốn di dời ra cụm công nghiệp tập trung để có mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng, phát triển cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn TP hiện gặp không ít vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là suất đầu tư quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, khi hình thành các cụm công nghiệp thì chỉ có 10% cơ sở di dời vào cụm, còn lại đến 90% các hộ không đủ khả năng chi trả khi ra mặt bằng mới.

Để giải quyết những vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp làng nghề, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía Nhà nước. Chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đền bù; xác định trách nhiệm đầu tư điện vào cụm bằng văn bản rõ ràng nhằm giảm suất đầu tư; hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN bằng với DN đầu tư vào khu công nghiệp.