Phó Giám đốc Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận đưa ra trưng bày công khai để lấy ý kiến Nhân dân, thời gian trưng bày bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 9 - 31/3. “Chúng tôi đã chuẩn bị các bản vẽ phối cảnh, chi tiết để minh họa cho thuyết minh phương án Tổng mặt bằng ga ngầm C9, đảm bảo đầy đủ, minh bạch mà vẫn đơn giản, dễ hiểu” - ông Hiếu cho hay.
Trong thời gian trưng bày, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội sẽ có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, Nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Email, khảo sát trực tuyến… Một số chuyên gia, nhà sử học cũng cho rằng, phương án xây dựng ga ngầm C9 hiện đã có thể nói là tối ưu nhất. Tuy nhiên, vẫn cần phải có tham vấn cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện, và quan trọng nhất là sớm chốt phương án quy hoạch tổng mặt bằng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.Ga ngầm C9, tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864.645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm khoảng 10m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m; tới Tháp Bút khoảng 36m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120m.Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội hiện nay. Cửa số 2 bố trí phía trước Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, phố Hàng Dầu. 2 cổng lên xuống số 3, 4 sẽ được bố trí thang máy để phục vụ người dân, còn các cổng số 1 và 2 sẽ sử dụng thang bộ.Dù mới chỉ là quy hoạch tổng mặt bằng và sơ bộ thiết kế nhưng do vị trí ga C9 nằm giữa khu vực có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử quan trọng bậc nhất của Thủ đô nên đã có tới 10 phương án được đưa ra so sánh.