Châu Âu dành mọi nguồn lực đối chọi Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng chiếm lĩnh thị trường của xe điện Trung Quốc, Liên minh châu Âu đang làm mọi cách để mời gọi đầu tư trong ngành công nghiệp béo bở này.

Các công ty châu Á đang tràn vào "thung lũng pin" Dunkirk của Pháp khi châu Âu tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư xe điện.

Vào tháng 5/2023, nhà sản xuất pin Đài Loan ProLogium cho biết họ sẽ đầu tư 5,5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy gigafactory - nơi sản xuất linh kiện và sản phẩm liên quan đến công nghệ điện khí hóa và khử cacbon - ở Dunkirk, Pháp.

Đến tháng 8, Liên minh châu Âu (EU) cho phép chính phủ Pháp trợ cấp 1,6 tỷ USD cho dự án này, cho thấy nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung ô tô điện, pin và vật liệu từ Trung Quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giám đốc điều hành ProLogium Vincent Yang đến thăm nhà máy Aluminium Dunkerque tại Pháp. Nguồn: Nikkei Asia
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giám đốc điều hành ProLogium Vincent Yang đến thăm nhà máy Aluminium Dunkerque tại Pháp. Nguồn: Nikkei Asia

Cũng trong tháng 8, công ty ACC, liên doanh giữa Stellantis, Total và Mercedes-Benz, đã khai trương một nhà máy gigafactory tại Dunkirk. Công ty Envision, một liên doanh Nhật Bản-Trung Quốc-Pháp cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy tại “thung lũng pin” này.

Hay XTC đến từ Trung Quốc và Orano của Pháp đã công bố một liên doanh sản xuất pin ở Dunkirk. Trong khi đó, công ty điều hành cảng PSA của Singapore đang xây nhà kho pin EV tại bến cảng của khu vực này.

Bên cạnh đó, nhiều ông lớn khác như Toyota, Renault và Stellantis cũng đang tập trung tại Dunkirk. Theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Khu vực (ARIA) của Pháp, 50% sản lượng ô tô của châu Âu nằm trong phạm vi 300 km quanh thành phố này.

Gilles Normand, chủ tịch của ProLogium Europe, nói với Nikkei Asia: “Hiện tại, châu Âu sẽ tập trung vào sản xuất và tiêu thụ pin thay vì nhập khẩu từ châu Á như trước”.

Châu Âu gấp rút thu hút đầu tư

Châu Âu đang ủng hộ hoàn toàn lĩnh vực xe điện để hướng đến mục tiêu cấm bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035. Vì vậy, các quốc gia thành viên đang dồn mọi nguồn lực cho xe điện.

Châu Âu hiện là thị trường xe điện lớn thứ hai sau Trung Quốc và dự kiến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập kỷ tới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu chiếm 25% doanh số bán xe điện và 30% tổng lượng xe điện tồn kho trên toàn cầu vào năm 2022. Trong khi Mỹ chỉ chiếm 10% doanh số bán xe điện.

Tương tự châu Âu, Mỹ đang cố gắng thu hút đầu tư vào năng lượng sạch bằng các ưu đãi. Tuy vậy, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Washington lại thúc đẩy sản xuất trong nước hơn là phát triển công nghệ mới. Phải mất rất nhiều thời gian nữa Mỹ mới đưa pin xe điện thể rắn vào sản xuất hàng loạt do chi phí và thách thức công nghệ.

Hiện các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm pin xe điện thể rắn do những ưu thế vượt trội về độ an toàn và tuổi thọ so với pin lithium ion. Bên cạnh đó, pin thể rắn cần ít nguyên liệu đất hiếm hơn, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Không những vậy, vật liệu trong pin thể rắn có thể được tái chế cũng giúp giảm nguồn cung nguyên liệu thô mới.

Các nhà sản xuất ô tô lớn cũng đang theo đuổi công nghệ trạng thái rắn. Toyota gần đây đã giới thiệu mẫu pin thể rắn của riêng mình nhưng phải đến năm 2027 mới đưa ra kế hoạch bán ô tô sử dụng loại pin này.

ProLogium và các nhà đầu tư như Mercedes-Benz hay nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast, lạc quan rằng công nghệ này sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi của các nhà sản xuất ô tô châu Âu.