Khâu quản lý vẫn kém
Cho đến nay, cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản cơ bản đã được xây dựng đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hoạt động của toàn hệ thống quản lý chất lượng, ATVSTP đối với nông sản chưa đồng đều. Nhiều vụ việc mất ATTP và nguy cơ vi phạm về ATTP còn cao vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Đối với sản phẩm trồng trọt như rau, trái cây, chè, mối lo lớn nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Hiện nay, qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho thấy, dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép trong rau chiếm khoảng 5 – 6%, có loại cao hơn. Còn đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, nguy cơ mất ATTP là tồn dư chất cấm, kháng sinh, nhiễm vi sinh vật hoặc tình trạng bơm nước vào để tăng trọng đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.
Theo ông Phát, dư lượng thuốc BVTV có liên quan chủ yếu đến việc sử dụng thuốc của người trồng rau,
trái cây và trong khâu bảo quản, buôn bán. Do đó, năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình quản lý tổng hợp (IPM) và gia tăng kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt. Còn về chất cấm, ông Phát cho biết, có thể được đưa vào trong chăn nuôi qua 2 đường: DN sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ động đưa vào và người nuôi tự pha trộn. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các hộ chăn nuôi tự pha trộn chất cấm vào thức ăn không hề dễ dàng.
Tăng cường liên kết chuỗi
Năm 2015, Bộ NN&PTNT chủ trương triển khai mạnh mẽ các chương trình giám sát ATTP nông sản, thủy sản, ưu tiên nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng. Đồng thời, chú trọng quản lý chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón, chế phẩm chuyên dùng và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc động, thực vật nhằm ngăn chặn tình trạng hàng không đảm bảo ATTP nhập vào Việt Nam. Riêng về ATVSTP trong khâu giết mổ gia súc, gia cầm - lĩnh vực có sự chuyển biến khá chậm, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích giết mổ đảm bảo hơn. “Theo dự kiến, tháng 5/2015, Luật Thú y sẽ được Quốc hội thông qua. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc tổ chức hệ thống quản lý dịch bệnh, quản lý thuốc thú y, giết mổ…” - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Đàm Xuân Thành cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đã làm việc với 2 TP về vấn đề này. Đồng thời, làm việc với các địa phương xung quanh 2 TP để xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Thời gian qua, TP Hà Nội rất tích cực, chủ động xây dựng các chuỗi liên kết nông sản và phổ biến quy trình sản xuất an toàn cho nông dân. Để việc kết nối giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh bền vững hơn, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực đẩy nhanh tiến độ thành lập Ban điều phối vùng.
Hội viên phụ nữ quận Cầu Giấy tham quan và tự tay thu hoạch rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
|
Vấn đề cần làm là cắt đứt đường dây cung cấp chất cấm trong chăn nuôi, phấn đấu không còn tình trạng sử dụng chất cấm, mục tiêu là đưa về số 0, chứ không phải là sử dụng ít. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát |