Rau xanh, thực phẩm lấp đầy các kệ hàng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 19/7, ngày đầu tiên thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc triển khai một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hoạt động mua bán hàng hóa của người dân diễn ra bình thường, nguồn hàng tại các siêu thị, chợ dan sinh khá dồi dào.

Siêu thị bổ sung đầy đủ hàng tiêu dùng thiết yếu
Ghi nhận của phóng viên sáng 19/7 tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Hapro Mart cho thấy, không khí mua sắm vẫn diễn ra bình thường, thậm chí khá vắng vẻ, không có tình trạng đổ xô đi gom hàng tích trữ.
Bà Nguyễn Thị Minh (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: "Tranh thủ sáng sớm tôi đi mua thực phẩm, rau xanh cho gia đình dùng vài ngày. Xem báo đài tôi cũng lo ngại siêu thị hết thực phẩm, rau xanh, nhưng đến đây thấy yên tâm, hàng hóa dồi dào".
Tại các siêu thị đầy ắp hàng hóa, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống và luôn được nhân viên bổ sung đầy đủ, không có tình trạng cháy kệ, rỗng hàng... Không chỉ đảm bảo đầy đủ hàng tiêu dùng, siêu thị Big C Thăng Long còn tổ chức khuyến mại nhiều mặt hàng hải sản.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long ngày 19/7

Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, để đảm bảo lượng hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hệ thống siêu thị Big C đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần so với ngày thường.
Còn theo Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà, trong sáng 19/7, các quầy hàng của hệ thống VinMart/VinMart+ đã được lấp đầy để bảo đảm phục vụ người dân. Cũng theo ông Hà, ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, hệ thống VinMart/VinMart+ đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Riêng tại Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, VinMart/VinMart+ luôn chủ động làm việc với ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương nhằm giúp xe chở hàng hóa, lương thực thiết yếu được lưu thông nhanh chóng.
"Chúng tôi linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như: Dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... Hoặc đặt hàng online trên website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt. Người tiêu dùng nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa từ các doanh nghiệp uy tín, mọi cơ sở VinMart & VinMart+ luôn luôn đồng hành và “Phụng sự người tiêu dùng Việt” đem tới những hàng hóa chất lượng cao, minh bạch nguồn gốc. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa là không cần thiết, tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho biết thêm.
Đại diện siêu thị MM Mega Market thông tin,ngay từ đầu tháng 7 hệ thống trung tâm MM tại miền Bắc tăng nguồn hàng thiết yếu dự trữ lên 30%. Tại BRG mart Thành Công các mặt hàng rau củ quả tươi, lương thực, thực phẩm đều đầy đủ, giá cả giữ nguyên so với trước đó.
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại VinMart Thăng Long ngày 19/7

Bên cạnh việc chủ động nguồn hàng phục vụ người dân, các hệ thống siêu thị cũng đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm. Tại tất cả siêu thị đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trong quá trình kiểm tra, đo thân nhiệt khách hàng, nếu phát hiện trường hợp nào có nhiệt độ cao theo khuyến cáo của ngành y tế, đơn vị sẽ báo cáo với lực lượng chức năng để có bước xử lý tiếp theo.
Chợ truyền thống hàng hóa dồi dào
Ghi nhận trong sáng và trưa 19/7, nguồn cung hàng hóa tại chợ dân sinh ổn định, người dân chủ yếu mua hàng tiêu dùng trong ngày chứ không tích trữ.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) ngày 19/7

Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) một số mặt hàng rau củ quả tăng nhẹ. Cụ thể, giá bí xanh tăng từ 18.000 - 23.000 đồng/kg, khoai tây từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, rau cải cũng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Tại một số chợ khu vực quận Đống Đa, Ba Đình giá mặt hàng rau củ quả cũng tăng đáng kể, rau muống lên 20.000 đồng/bó, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp ngọt lên 20.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Bá Thuận - tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết, mặc dù giá bán buôn rau xanh tăng 1 - 2 giá, nhưng nguồn cung đầu vào không bị gián đoạn, không lo thiếu rau xanh.
Trái ngược với sự tăng giá mặt hàng rau xanh, thời điểm này giá bán thịt lợn lại đứng im, sức mua giảm mạnh. Tại quầy kinh doanh thịt lợn của bà Liên (chợ Khương Thương, Đống Đa) lúc 10 giờ sáng vẫn chưa vơi được một nửa. "Lượng người mua ít hơn hẳn so với chiều qua, tôi ngồi từ sáng đến giờ bán chưa được một triệu tiền hàng", bà Liên than thở.
 Nhân viên siêu thị Big C Thăng Long bổ sung rau xanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày 19/7

Khách mua không quá đông nên giá thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống vẫn giữ như những ngày gần đây. Cụ thể thịt ba chỉ, nạc mông, nạc vai 150.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000 đồng/kg; thịt bò mông 230.000 đồng/kg.
Tại chợ Ngô Sỹ Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình) các mặt hàng thực phẩm tươi sống “đứng yên”, riêng mặt hàng trứng gia cầm đã tăng nhẹ lên mức 35.000 đồng/10 quả trứng gà, trước đó giá bán chỉ 32.000 - 33.000 đồng.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Trước những diễn biến của dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường, và cam kết không tăng giá trong thời điểm này. Đồng thời, sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online. Sở Công Thương Hà Nội cũng xây dựng các kịch bản nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với 5 cấp độ.
Nhằm ngăn chặn hiện tượng một số cá nhân mua gom thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, rau xanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại... rồi bán lại với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả và vi phạm về áp dụng biện pháp chống dịch, hệ thống siêu thị Big C đã tổ chức một số quầy kinh doanh  thực phẩm, rau củ quả theo hình thức bán lẻ, không bán buôn. Trong trường hợp khách mua hàng với số lượng lớn, siêu thị Big C kiên quyết không cho phép người mua hàng thanh toán.
Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong