Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rôm rả hài Bắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần 700 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn, nhóm nghệ thuật chuyên nghiệp ở miền Bắc đang khuấy động bầu không khí vùng đất mỏ (Quảng Ninh) bằng những màn thi thố tiếng cười. Mới chỉ là "phần 1" (khu vực phía Bắc) của Liên hoan sân khấu hài toàn quốc, nhưng ít nhiều người ta đã thấy rõ sức hút của sân khấu cười.

Showroom 50 kiểu cười

Có thể nói là một showroom 50 kiểu cười đã được mở ra trong Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần đầu tiên này. Bởi gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đã hội tụ về đây 50 tiểu phẩm, tiết mục khác nhau. Điều đáng nói, 80% các tiết mục, vở diễn là mới dàn dựng. Dù qui chế của liên hoan mang xu hướng mở ở lần đầu tiên này, chấp nhận cả các vở diễn, tiết mục cũ, song "cái cũ" mang đến đều nổi tiếng... Ngay trong đêm đầu tiên, khán phòng Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật (TP Hạ Long) đã không đủ sức chứa cho hơn nghìn người đến dự. Đấy là chưa kể những khán giả ái mộ rồng rắn nơi cửa rạp để nghe tiếng cười vọng từ trong ra… Có lẽ chưa bao giờ, hài lại lên sân khấu với tần suất dày đến như vậy: 3 "ca" sáng, chiều, tối. Và cũng chưa bao giờ, khán giả lại có thể "no nê" sân khấu cười như bây giờ, khi tất cả cái cười từ kịch nói, cải lương, đến chèo, tuồng… cùng hội tụ trên một sân khấu, trong thời gian không dài (từ 25/8 đến 1/9).

Showroom 50 kiểu cười quả là đa dạng, cho dù có những tiết mục trùng nhau nhưng cái không khí, cái phong cách mà mỗi kiểu cười bật lên lại khác. Dễ dàng nhận ra hơi thở mới ở những tiết mục mới như "Giả giàu, nghèo thật" của Đoàn kịch Hải Phòng với gương mặt hài quen Quang Thắng, như tiết mục xiếc "Hề nhạc" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam gợi nhiều tò mò cho người xem… Cũ như trích đoạn chèo "Việc làng" (từ vở Quan Âm Thị Kính), tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" hay trích đoạn chèo "Lột mũ áo quan tri châu" (từ vở Nhiếp chính Ỷ Lan)… cũng vẫn hút cái cười từ khán giả, bởi những phong cách diễn của Quốc Anh, Thu Huyền, Quốc Trượng…

Cũng phải ghi nhận, lần đầu tiên một liên hoan nghệ thuật thực hiện được "ý tưởng" bán vé. Dù đơn vị đăng cai đã bổ sung thêm ghế phụ trong Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật lên đến hơn 900 chỗ ngồi, vậy mà 3 ngày trước khi liên hoan mở màn, vé đã không còn để bán. Giá 250.000 đồng/1 vé không thể gọi là rẻ, nhất là trong đêm gala 31/8 (300.000 - 800.000 đồng/1 vé). Thế mới thấy, hài kịch thực sự là thứ đặc sản của sân khấu Việt...

Phía sau cánh gà là những trái tim

Mục đích của liên hoan là tạo không khí hướng đến Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), mở diễn đàn để các nghệ sĩ hài giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và khẳng định những đóng góp cho sự phát triển của sân khấu Việt. Tuy nhiên, phía sau cánh gà sân khấu, sau những màn thi thố, những tiếng cười, hiển hiện rất rõ những trái tim chân tình của nghệ sĩ hài. Bởi liên hoan này còn thực hiện một mục đích cao cả là gây quĩ từ thiện vì các nghệ sĩ nghèo. Dù liên hoan được bán vé nhưng hầu như không nghệ sĩ nào lấy tiền cát-xê. Số tiền thu được sẽ được công bố chính thức tại liên hoan, sau đó được trích một phần ủng hộ các nghệ sĩ cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật và ủng hộ trẻ em thiệt thòi trong Quĩ vì trẻ em lây nhiễm chất độc da cam.

Theo Hội Nghệ sĩ Sân khấu, liên hoan này thực hiện theo chế độ xã hội hóa toàn phần và có thu, mọi chi phí cho liên hoan đều do kêu gọi tài trợ, sự vận động năng động của chính bản thân các nghệ sĩ và đóng góp ít ỏi từ kinh phí của Hội.

Sau những đêm diễn đầy tiếng cười, lễ trao giải khu vực miền Bắc sẽ diễn ra vào tối 1/9/2011.