Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rốt ráo đảm bảo thu ngân sách

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều địa phương thu nội địa đạt thấp, thuế suất nhiều mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm theo các cam kết FTAs đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Tài chính ngày 18/7, các giải pháp để đạt mục tiêu thu ngân sách đã được đại diện ngành tài chính và các địa phương đặc biệt quan tâm.
Thu ngân sách nội địa đạt thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước sau 6 tháng tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, thu nội địa tại nhiều địa phương vẫn đạt thấp. Cụ thể, đến hết tháng 6/2018, tổng thu ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, thu từ dầu thô đã đạt 82,4% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng khoảng 6,9% và hiện đạt 54,9% dự toán.
 Giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng 
Với thu nội địa, khoản này hiện đạt 47,6% dự toán. Riêng về thu nội địa, theo thống kê, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so yêu cầu dự toán cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu ra tại Hội nghị. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến: Kiến nghị cân nhắc chỉ tiêu phù hợp hơn

Với tinh thần quyết tâm cao, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thu NSNN. Tuy nhiên, khả năng thu NSNN chỉ đạt khoảng 98% so với chỉ tiêu được giao do những khó khăn về diễn biến kinh tế chính trị ảnh hưởng tới đầu tư phát triển. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị trong năm tới Bộ Tài chính cân nhắc về chi tiêu để phù hợp với khả năng thực tế của TP. Đồng thời, cũng cần có những chính sách hỗ trợ để an tâm đầu tư phát triển.

Ngoài ra, việc thực hiện cam kết về khu vực kinh tế tự do ASEAN (ATIGA), với trên 90% dòng hàng được cắt giảm thuế suất nhập khẩu về còn 0%, trong đó, nhiều mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng, sắt thép... đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

Tăng cường quản lý thu

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý những rủi ro trong việc hoàn thành kế hoạch thu của năm 2018 khi hết nửa năm vẫn có tới 20 địa phương có số thu dưới 50%. Do đó, ngành Tài chính phải tăng cường công tác quản lý thu hơn nữa, cùng với đó là chống thất thu NSNN, chống xói mòn cơ sở thuế, nhất là khu vực phi chính thức.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ Tài chính cần khắc phục tình trạng T.Ư hụt thu mà địa phương lại vượt thu nhiều. Muốn vậy, phải bám sát hơn nữa dữ liệu quản lý thuế, rà soát để có mức thu hợp lý với dự toán của từng địa phương, tránh trình trạng hụt thu hoặc thu quá mức.

Về chi NSNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính cần siết chặt kỷ luật chi, cần chi đúng mục tiêu, nhất là các khoản chi khánh tiết, lễ tân, hội nghị, lễ hội, công tác nước ngoài… “Cần xử lý người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra sai phạm trong chi thường xuyên khi có thanh tra, kiểm toán kết luận” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến các loại thuế trực thu, Bộ Tài chính cần nghiên cứu các luật thuế, nhất là Thuế Tài sản cần phải tiếp tục được nghiên cứu, sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam. Cùng với đó, một loạt các luật thuế khác cũng phải được thực hiện trên tinh thần đúng bản chất của các sắc thuế. Ví dụ như phải làm rõ thế nào là thuế TTĐB, thuế TNCN trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu và đảm bảo khoan sức dân.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành tài chính sẽ tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Theo đó, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Ngoài ra, các đơn vị cũng quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2018 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN năm 2018.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Tích cực giảm nợ đọng

Nửa đầu năm 2018, số thu trên địa bàn Hà Nội đạt 120.062 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa của ngành Thuế có tiến độ tăng khá với 111.200 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Hầu hết các khoản thu, khu vực thu duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ với 10 khoản thu có tiến độ đạt khá như: Tiền sử dụng đất, thuế ngoài quốc doanh, thu từ khu vực DN Nhà nước T.Ư...

Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý thu, tập trung rà soát các đối tượng và triển khai các dịch vụ thuế điện tử. Cùng với đó, tích cực các giải pháp để giảm nợ đọng như công khai danh tính của DN nợ thuế. Từ đó nợ đọng trên địa bàn đã giảm 4,4%. Với quyết tâm, nỗ lực cao, trong năm 2018, Hà Nội sẽ quyết tâm thu đạt và vượt kế hoạch được giao. Để làm được điều đó, TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục các chính sách tài chính hỗ trợ DN kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Cùng với đó, với những đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn cần có thêm hướng dẫn để tiếp tục thực hiện tự chủ.