Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền địa phương.
Đồng loạt triển khai
Từ năm 2016, Đông Anh là địa phương được TP Hà Nội chọn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP ở xã Kim Chung và xã Uy Nỗ. Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ, khi mới triển khai, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, cán bộ chuyên trách về ATTP thiếu, trong khi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra.
Hơn nữa, cán bộ ở cấp xã còn tâm lý “tình làng, nghĩa xóm”, khi kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở, chứ không xử phạt. Nhưng đến nay, Đông Anh đã khắc phục những bất cập, công tác quản lý ATTP trên địa bàn trở nên bài bản và chuyên nghiệp.
Tại quận Đống Đa, việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận và phường là vấn đề mới, ban đầu triển khai cũng không tránh khỏi lúng túng. Ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, thời gian qua, quận đã hỗ trợ các phường đào tạo thanh tra viên, đào tạo cán bộ lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm. Trong thời gian tới, quận sẽ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thí điểm tại tất cả các phường để kịp thời khắc phục những hạn chế.
Quận Hai Bà Trưng cũng đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành ATTP đến hết năm 2019. Quận đặt chỉ tiêu số cơ sở được thanh tra hàng năm đạt 25% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do quận quản lý và đạt 50% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do phường quản lý.
Theo ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP, qua 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại10 quận, huyện và 20 xã, phường trên địa bàn, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ đầu năm 2019 đến nay, TP rốt ráo chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai mô hình này tại tất cả 30 quận, huyện và 584 xã, phường. Hiện 100% các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã có đủ công chức, viên chức để thành lập 1 - 2 đoàn thanh tra với trên 3.000 người. Tất cả các tuyến đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành ATTP từ 10/7 - 31/12/2019.
Xử nghiêm vi phạm, không nể nang
Là năm đầu tiên quận Tây Hồ triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn, ông Phạm Xuân Tài - Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, địa bàn quận có tới 1.869 cơ sở thực phẩm, ý thức tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở nhỏ lẻ chưa cao. Thực hiện mô hình này, quận sẽ tăng tần suất kiểm tra, đặc biệt tập trung các cơ sở có nguy cơ cao và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Đại diện các quận, huyện khác như Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thị xã Sơn Tây, Hoài Đức… cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các xã, phường trên địa bàn.
Để việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đạt kết quả tốt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Công tác ATTP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận, huyện, xã, phường phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị.
Theo ông Hiền, tuyến quận, huyện phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo kế hoạch. “Việc thanh, kiểm tra phải thực chất, cơ sở nào vi phạm cần xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe” - ông Hiền nhấn mạnh.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng lưu ý, khi mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP trên toàn TP, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa thanh tra cấp trên với cấp cơ sở để tránh chồng chéo. Tới đây, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ giám sát và kiểm tra hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng cấp cơ sở để đánh giá chất lượng và có sự điều chỉnh kịp thời.