Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Rừng thơ" hội tụ tại Văn Miếu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rừng thơ hội tụ tinh hoa thơ ca của cả nước sẽ xuất hiện dọc 2 bên lối vào của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong dịp Ngày thơ Việt Nam, từ 13 đến 15 tháng Giêng. Ban tổ chức cho biết, 64 tỉnh thành trong cả nước sẽ có 64 cây thơ.

KTĐT - Rừng thơ hội tụ tinh hoa thơ ca của cả nước sẽ xuất hiện dọc 2 bên lối vào của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong dịp Ngày thơ Việt Nam, từ 13 đến 15 tháng Giêng. Ban tổ chức cho biết, 64 tỉnh thành trong cả nước sẽ có 64 cây thơ.

Ngày thơ Việt Nam là ngày hội định kỳ vào rằm tháng Giêng hàng năm, do Hội nhà văn tổ chức nhằm tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam. Năm nay, cùng với dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long, ngày thơ sẽ được tổ chức với quy mô lớn.

Ban tổ chức cho biết, sẽ có một “đại lễ hội” thi ca ở khắp các tỉnh từ Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Việt Bắc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ngãi… trong đó những điểm nhấn của lễ hội này là 3 “đầu tàu” Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Ngày 11 tháng Giêng, TP.HCM sẽ là nơi khởi động “Ngày thơ 2010” với các hoạt động mang chủ đề “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Còn tại Huế, ngày thơ sẽ diễn ra với nhiều hoạt động trên sông Hương với chủ đề “Từ cố đô nhớ về cố đô”.

Tại Hà Nội, trung tâm của ngày thơ Việt Nam, các hoạt động sẽ được tổ chức trong suốt ba ngày. Ngày đầu tiên (13 tháng Giêng) sẽ tôn vinh thơ dịch và lần đầu tiên trong 8 năm tổ chức ngày thơ sẽ có sự tham dự của các dịch giả nước ngoài.

Ngày thứ hai sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã khuất, các nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và các nhà thơ nhà văn mới mất tại chùa Quán Sứ.

Tối cùng ngày 14 tháng Giêng, sẽ diễn ra đêm chung kết cuộc thi trình diễn thơ tại Cung Văn hóa Hữu nghị giữa sinh viên 4 trường đại học: ĐH Văn hóa, ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên.

Như thường lệ, vào đúng dịp chính hội Rằm tháng Giêng, sân chơi thơ sẽ mở tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nhiều hoạt động: Ngâm thơ cổ, Thả thơ, Triển lãm thơ trên gốm sứ....

Đặc biệt, năm nay có nhiều hình thức tổ chức khá mới mẻ như màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Văn Miếu và màn rước Chiếu dời đô. Sân thơ sẽ được trải dọc 2 bên cổng vào Văn Miếu với một “rừng thơ” với 64 cây thơ của các địa phương, trưng bày các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng in lời thơ.

Hoạt động thu hút được nhiều khán giả hàng năm là sân thơ trẻ năm nay sẽ có không gian rộng hơn cho các nhà thơ trẻ đọc, trình diễn thơ và giao lưu với độc giả. Được biết, sẽ có 3 góc với 3 chủ đề: thơ truyền thống, thơ sắp đặt và thơ trình diễn với các poster để tạo nên các phố thơ…