Nhưng hình như "thuốc đắng" vẫn chưa "giã tật", tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn ở mức báo động.
Khó kiểm soát
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong những năm qua, tình hình trật tự ATGT dù đã có những chuyển biến tích cực, song tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia vẫn đang có xu hướng tăng nhanh và khó kiểm soát trong những năm gần đây. Cụ thể, theo khảo sát mới đây của Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới đối với hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại 10 tỉnh, TP cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số người lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
Theo Phó Cục trưởng Cục CSGT - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, từ năm 2010 đến nay, dù tỷ lệ phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng nhiều lần, nhưng số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn diễn ra hết sức phức tap, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Theo phân tích của Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, lái xe bị ảnh hưởng bởi rượu, bia thường có khuynh hướng dễ bị kích thích, bốc đồng dẫn đến vi phạm quy tắc giao thông như: Chạy tốc độ rất cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Mặt khác, khi đã sử dụng rượu, bia, người điều khiển phương tiện dễ bị ngủ gật, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống, làm tăng nguy cơ gây tai nạn.
Và vụ tai nạn xảy ra trên QL1 (hướng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh) thuộc địa bàn Kỳ Anh, Hà Tĩnh xảy ra đầu năm 2017 là một ví dụ điển hình. Do sử dụng rượu, bia, không làm chủ được tốc độ, lái xe Camry BKS 38A - 103.31 đã đâm vào hông xe bồn mang BKS 38C - 034.63 chạy ngược chiều. Cùng lúc đó, xe container mang BKS 38N - 4450 kéo theorơ-moóc mang BKS 38R - 0264 chạy từ phía sau, không kịp phản ứng đã đâm trúng phần đuôi xe Camry gây hư hỏng nặng. Mặc dù, vụ tai nạn không gây thiệt hại nặng về người, nhưng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Cần hạ “ngưỡng” xử phạt
Đề cập đến biện pháp giảm thiểu TNGT liên quan đến rượu, bia, ông Nguyễn Phương Nam – đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, các cơ quan hữu quan của Việt Nam nên cân nhắc tăng nặng các hình thức xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia. Cụ thể, theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam cần quy định nồng độ cồn trong máu từ 30mg/100ml máu sẽ bị xử phạt, thay vì mức 50mg/100ml máu (hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở) như quy định hiện hành. “Khi người tham gia giao thông đạt mức nồng độ cồn trong máu này (50mg/100ml máu - PV) thì nguy cơ tai nạn với họ rất cao. Do đó, ngoài việc hạ ngưỡng xử phạt nồng độ cồn, các cơ quan chức năng có thể xem xét phạt tù đối với những người tham gia giao thông có nồng độ cồn cao trên 80mg/100 ml máu và nghiên cứu phạt nặng hành vi tái phạm” – ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Minh Chất - Phó Giám đốc Học viện CSND, hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chế tài nhằm nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT như thu bằng, tạm giữ phương tiện, nâng mức phạt bằng tiền cũng như các tình tiết tăng nặng. Bởi suy cho cùng, mục đích của việc xử phạt là giáo dục, nếu không có sự giáo dục mà chỉ xử phạt một cách nặng nề, kể cả xử phạt tù, thì tác dụng giáo dục không cao. Và theo ông Chất, để khắc phục tình trạng này, các đơn vị chức năng cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới về quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ; cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.
Theo tính toán của các tổ chức y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… |