VinFast Rung chuông trên Nasdaq Global Select Market

Sắc vóc mới của doanh nghiệp Việt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc VinFast rung chuông trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu là cách nhanh nhất để ghi tên mình vào bản đồ kinh tế quốc tế.

Sự kiện trên diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co.

Thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ

Như vậy, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại. Công ty có giá trị vốn hóa hơn 23 tỷ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd với mã giao dịch VFS. Chỉ vài giờ sau khi niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast đã tăng mạnh 68,45%.

CEO Toàn cầu VinFast Lê Thị Thu Thủy nhận kỷ niệm chương từ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc thị trường Vốn toàn cầu của Nasdaq Bob McCooey.
CEO Toàn cầu VinFast Lê Thị Thu Thủy nhận kỷ niệm chương từ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc thị trường Vốn toàn cầu của Nasdaq Bob McCooey.

Kết phiên ngày 15/8, cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng cửa ở mức 37,06 USD/cp, tăng 68,45%. Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính quy mô vốn hóa của nhà sản xuất xe điện VinFast đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD và gấp hơn 3 lần định giá lại sau khi sát nhập thành công với Black Spade. Đây cũng là DN Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.

Vài tuần gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup trên thị trường chứng khoán trong nước cũng ghi nhận mức tăng mạnh, thêm khoảng 30% và hiện lên trên 70.000 đồng/CP, nhưng vốn hóa chỉ đạt 270.000 tỷ VND (tương đương khoảng hơn 11 tỷ USD).

Theo cập nhật của Forbes, tính tới ngày 15/8, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 5,5 tỷ USD, đứng thứ 496 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Với việc cổ phiếu VinFast tăng mạnh và vốn hóa lên hơn 85 tỷ USD, giá trị tài sản của ông Vượng cũng có thể tăng vọt. Theo Bloomberg dự đoán, trong tương lai, ông Vượng có thể lọt top 4 người giàu nhất Đông Nam Á so với vị trí 22 hiện nay, thậm chí có thể lọt top 100 người giàu nhất thế giới.

Dẫn dắt công ty sau niêm yết vẫn là Tổng Giám đốc Toàn cầu Lê Thị Thu Thủy. “Việc VinFast niêm yết thành công sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường tới đông đảo người tiêu dùng, thực hiện cam kết của chúng tôi trong cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện còn mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai. Chúng tôi hy vọng câu chuyện của VinFast sẽ truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới”- bà Thủy nhấn mạnh.

Ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Việt?

Sau sự kiện Vinfast chào sàn chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán trong nước phiên sáng 16/8 được hỗ trợ tích cực bởi thông tin này. Cảm hứng từ thông tin này đã đưa giá cổ phiếu VIC tiếp tục tăng cao. Kết thúc phiên sáng 16/8, VIC mức tăng kịch trần, chiếm tới 4,9 điểm trong tổng mức tăng 7,44 điểm của VN-Index. Phần còn lại của thị trường cân bằng, thậm chí số mã giảm giá còn nhỉnh hơn mã tăng.

Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 398 triệu đơn vị, với giá trị hơn 9,1 nghìn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 49 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt trên 970 tỷ đồng.

Nói về ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong nước từ thương vụ Vinfast, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Đỗ Bảo Ngọc cho biết, thương vụ này thực ra không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chứng khoán trong nước. Nếu có, chỉ là chứng khoán Việt sẽ được nhà đầu tư Mỹ biết đến nhiều hơn. Theo ông Ngọc, sức hấp dẫn của thị trường thì không chỉ dừng ở một thương vụ mà là do tổng thể nền kinh tế.

Hiện, kinh tế Việt Nam vẫn đang là điểm sáng, có tốc độ tăng trưởng cao, triển vọng tốt. Ngoài ra, lực lượng lao động hùng hậu và tầng lớn trung lưu mới cũng sẽ là điểm cộng của thị trường chứng khoán trong nước. Thực tế diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất tốt.

Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường tạo ra rất nhiều cơ hội kể cả đầu tư lẫn đầu cơ. Dòng tiền cải thiện, thanh khoản được củng cố. Trong môi trường vĩ mô khi lãi suất liên tục giảm và dần về mức thấp, lạm phát không quá cao, tạo thêm dư địa giảm lãi suất trong tương lai, tỷ giá tương đối ổn định là yếu tố quan trọng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện đó, dòng vốn đi tìm kênh đầu tư thanh khoản linh hoạt hơn. Chứng khoán là một điểm sáng.

Hơn nữa, nền kinh tế vẫn khó khăn, sản xuất kinh doanh, năng lực hấp thụ vốn yếu - trong bối cảnh đó dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức có thể sẽ tiếp tục chảy vào chứng khoán.