Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sách Tết trở lại sau 60 năm quên lãng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 1958, thị trường xuất bản không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại khoảng trống và nỗi niềm tiếc nhớ trong lòng người đọc. Năm nay, sách Tết trở lại như một món quà nhỏ cho ngày Xuân thêm trọn vẹn.

Nét đẹp ngày Tết
Ngược dòng thời gian 90 năm về trước, sách Tết Mậu Thìn năm 1928 của Tân Dân Thư Quán đã mở lối đi cho sách Tết với hai nội dung hài đàm và thơ vui, chắp bút bởi nhiều tên tuổi nổi tiếng làng văn. Sách Tết mang lại cho độc giả những tiếng cười sảng khoái, những câu chuyện, lời thơ nhẹ nhàng, dí dỏm vào ngày đầu năm. Cứ đến cuối năm, từ Bắc vào Nam, người ta đua nhau làm sách. Thú vui của độc giả là được hít hà mùi giấy mực, vui thú văn chương tao nhã ngày đầu Xuân. Do vậy, sách Tết thời đó rất được ưa chuộng. Sách Tết không phải để đọc nhanh, mà là một thứ để người ta nghiền ngẫm. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy người đọc mới giở cuốn sách Tết còn thơm mùi mực, lật giở từng trang nhẩn nha nhấm nháp không khí của ngày Xuân.
 Sách Tết Kỷ Hợi 2019.
Thế nhưng đến năm 1958, trên thị trường xuất bản không còn ẩn phẩm nào mang tên sách Tết. Những tập sách mỏng khiêm nhường ấy, cũng như gốc đào, mai, đôi câu đối, bánh chưng, củ kiệu, tiếng pháo mất đi đã để lại trong lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng, tiếc nhớ. Có lẽ bởi thế, sách Tết Kỷ Hợi 2019 được nhiều người ví như món quà nhỏ cho ngày Xuân thêm trọn vẹn. Mang một cuốn về nhà, có khi cũng là một sự chuẩn bị giống như thời xưa, cuộc sống khốn khó, thức gì ngon nhất, quý nhất đều trở thành “của để dành” cho Tết.

Ấn phẩm đặc biệt Xuân Kỷ Hợi

Với nhiều người, sách là thứ neo lại thông tin trong tâm trí lâu hơn cả. Đặc biệt, những cuốn sách ấy khơi gợi những cảm thức về dòng chảy thời gian và những mối quan hệ giữa người với người. Và cảm thức ấy sẽ càng sâu sắc hơn khi được gợi lên trong không khí của mùa Xuân, ngày Tết. Đó là lý do, với nhiều bạn đọc, cuốn Sách Tết Kỷ hợi 2019 là một ấn phẩm đặc biệt.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách Tết, sách Tết Kỷ Hợi 2019 là tập hợp các văn nghệ sĩ ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam và biên giới hải đảo. Sách có nội dung phong phú xoay quanh các chủ đề: Văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn, vĩ thanh. Sách được ví như một cuộc điểm tô tinh hoa sáng tạo các loại hình nghệ thuật của con người. Sự tô điểm ấy nhấn vào những cảm xúc, suy tư của những người thế hệ cũ. Còn với độc giả trẻ, qua cuốn sách, họ biết đến Tết xưa như thế nào, đồng thời nhắc nhớ về các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt”.

Sách Tết Kỷ Hợi 2019 do Nhà xuất bản Văn học và Công ty CP Văn hóa Đông A thực hiện là ấn phẩm tập hợp các tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa mùa Xuân và ngày Tết. Ấn phẩm đặc biệt đón Tết chào Xuân này được in màu toàn bộ; mỗi cuốn sách đều được đánh số riêng. Ngoài 1.900 bản phổ thông bìa mềm, sách Tết 2019 có 100 bản bìa cứng, in trên giấy chất lượng cao, kèm theo hộp sơn mài dành cho những người sưu tầm và chơi sách.
Cuốn sách quy tụ những cây viết nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực với phần minh họa ấn tượng, công phu của các họa sĩ đương đại như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn… Họ sẽ cùng làm sống lại một không khí sách xưa, đó là “Tết quê” của Phan Cung Việt, “Ăn Tết với người lạ” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Nhớ một Tết xa” của Ma Văn Kháng, “Ở đâu Tết cũng vui” của Nguyễn Trí. Ngoài ra phần thơ, nhạc và những câu chuyện về sách, về văn hóa được khắc họa khá hấp dẫn. Đặc biệt, cuốn sách có một bài viết của GS Ngô Bảo Châu chia sẻ niềm thương nhớ về những hiệu sách cũ, đồng thời nói lên vai trò của hiệu sách trong không gian đô thị.

Lật giở từng trang sách, ngâm kỹ hơn một chút, người đọc cảm nhận được đằng sau những hoài niệm và cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ là một tâm hồn Việt phản chiếu qua những tấm kính vạn hoa của nghệ thuật, để mở ra những liên tưởng tinh tế từ cuộc sống.