Ngày 2/4, Sacombank có thông cáo báo chí bác bỏ tin tức vô căn cứ nêu trên và cho biết đã tiến hành các biện pháp cần thiết để xử lý theo quy định pháp luật cũng như tiến tới ngăn chặn các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của lãnh đạo Sacombank và gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín hoạt động của Ngân hàng.
Đồng thời, Sacombank khẳng định Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh vẫn đang trực tiếp điều hành các công việc tại Sacombank. Ngân hàng vẫn đang cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng, duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định. Tài sản và thanh khoản dồi dào, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tin đồn nói trên.
Qua sự việc này, Sacombank mong rằng nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng hãy cẩn trọng với các tin đồn không xác thực, chỉ tiếp nhận thông tin tại các kênh báo chí chính thống và trang tin uy tín. Sacombank sẽ luôn cập nhật đến công chúng và khách hàng những thông tin mới nhất trên các kênh truyền thông chính thức của Ngân hàng.
“Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, tin tưởng của nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng dành cho Sacombank. Một lần nữa, chúng tôi xin khẳng định, Sacombank vẫn đang hoạt động ổn định và hiệu quả. Chúng tôi vẫn đang triển khai các chiến lược phát triển sản phẩm, củng cố và mở rộng thị trường”- thông cáo của Sacombank khẳng định.
Năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 674.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 578.000 tỷ đồng, tăng 11,3%; trong đó chú trọng tăng tiền gửi CASA 8,8%. Tỷ lệ CAR hợp nhất 9,11%, tỷ lệ LDR đạt 82,77%, tỷ lệ NIM 3,9%. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, tương ứng tăng 0,31 và 4,47%. Ngân hàng cũng vừa được Tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s công bố nâng bậc xếp hạng nhiều chỉ số quan trọng như: Nâng bậc xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi dài hạn từ B3 lên B2; Chỉ số Đánh giá Tín dụng cơ sở (BCA) và BCA Điều chỉnh được nâng bậc từ Caa1 lên B3; Chỉ số Xếp hạng Rủi ro đối tác (CRR) bằng nội tệ, ngoại tệ dài hạn và Đánh giá rủi ro đối tác (CR) từ B2 lên B1
Mở cửa phiên giao dịch sáng 2/4, cổ phiếu STB của Sacombank là mã giảm mạnh nhất. Cổ phiếu này giảm 4- 5% trong 30 phút giao địch đầu tiên. Lượng giao dịch STB tăng vọt, tính đến 9h45 đã có hơn 35 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị gần 800 tỷ đồng. Mới chỉ chưa đến 1 tiếng đồng hồ giao dịch nhưng thanh khoản STB đã ở mức cao nhất trong hơn nửa năm trở lại đây.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái bán ròng STB trong những phút giao dịch đầu tiên của phiên hôm nay. Khối ngoại đã bán ròng hơn 2 triệu STB trong chưa đầy 1 tiếng kể từ khi mở cửa.