Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai phạm tại tòa nhà hỗn hợp Sông Đà, Hà Đông

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động tòa nhà hỗn hợp Sông Đà chưa được xác nhận nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy, do đó hiểm họa có thể uy hiếp tính mạng hàng nghìn cư dân bất kì lúc nào.

Bài 1: Hiểm họa uy hiếp tính mạng của hàng nghìn cư dân 
Cầu thang thoát hiểm có thể gây nguy hiểm khi hỏa hoạn

Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà nằm tại km 10 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) có địa chỉ ở số 19 Trúc Khê, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội là chủ đầu tư (CĐT). Hiện tại công trình được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh Dịch vụ (SDU) là đại diện đơn vị quản lý tòa nhà. Đây là công ty con của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (sau đây gọi tắt là Công ty Sông Đà).
 Ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng Ban quản trị tòa nhà hỗn hợp Sông Đà cùng cư dân trao đổi với phóng viên.
Theo ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng Ban quản trị (BQT) tòa nhà hỗn hợp Sông Đà: Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009, đầu năm 2010 nhưng đến nay tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu các hạng mục phòng cháy chữa cháy (PCCC), chưa bàn giao nhà chung cư và phí bảo trì cho BQT. Đặc biệt, việc không bàn giao được các hạng mục PCCC chính là do nhiều công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn PCCC.

Phóng viên đã được dự rất nhiều cuộc họp của BQT, cư dân với CĐT kiến nghị về các vấn đề nghiệm thu, bàn giao các hạng mục PCCC, bàn giao nhà chung cư và phí bảo trì. Những cuộc họp đều diễn ra căng thẳng, đầy bức xúc của BQT, cư dân với CĐT. Song, sau cuộc họp những kiến nghị của cư dân, BQT đều rơi vào im lặng. CĐT không có động thái nào tháo gỡ vướng mắc kể trên.

Tại Hội nghị chung cư thường niên của tòa nhà ngày 14/5/2017, khi cư dân có kiến nghị về những nguy hiểm mất an toàn PCCC thì phía đại diện CĐT đã đưa ra văn bản xác nhận nghiệm thu PCCC số 172/NT-PCCC-P3 ngày 29/7/2016 của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khẳng định: Tòa nhà này đã được nghiệm thu, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về PCCC đối với nhà chung cư.
 Văn bản nghiệm thu PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đối với tòa nhà Sông Đà, Hà Đông.
 Chỉ có 5 gạch đầu dòng nghiệm thu hệ thống PCCC tại tòa nhà Sông Đà.
Phóng viên đã tiếp cận văn bản này và được biết, cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ xác nhận và nghiệm thu các hạng mục như sau: Lối tiếp cận xe chữa cháy, khoảng cách PCCC, bậc chịu lửa, mặt bằng, lối ra thoát nạn, giải pháp ngăn chặn tràn lan; hệ thống báo cháy tự động, đèn báo cháy sự cố, đèn thoát nạn; hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động, họng nước từ xe chữa cháy và các thiết bị chữa cháy; giải pháp thông gió, tụ khói tầng hầm, khu vực hành lang từ tầng 4 đến tầng kỹ thuật (tức tầng 8) buồng thang bộ; khoang đệm trước lối vào thang máy dưới tầng hầm.
 Mở cửa thoát hiểm là vào ngay tủ điện trong cầu thang bộ. Tường tại tay co của cửa thoát hiểm đã bị bục bở.
 Văn phòng của Công ty SDU chiếm dụng diện tích tầng kỹ thuật.
Căn cứ vào bản nghiệm thu này cho thấy: Khu vực hành lang buồng thang bộ chỉ được nghiệm thu từ tầng 4 đến tầng 8. Đây là 4 tầng của CĐT sử dụng cũng như văn phòng cho thuê và phòng kỹ thuật của toà nhà. Còn lại từ tầng 1 đến tầng 3 CĐT cho thuê làm siêu thị, văn phòng đều không được nghiệm thu. Đặc biệt, từ tầng 9 đến tầng 32 là khu vực cư dân ở và tầng 33 là khu vực kỹ thuật của tòa nhà đều không được nghiệm thu.
Nguyên nhân dẫn đến tòa nhà không nghiệm thu được các hạng mục PCCC là vì: Nhiều công trình xây dựng vi phạm hành lang thoát hiểm. Nguy hiểm nhất là toàn bộ các tủ điện của tầng nhà , trong đó có từ tầng 9-32 cư dân ở đều lắp đặt ngay trong khu vực cầu thang bộ. Nếu có cháy, nổ ở khu vực nào đó trong tòa nhà thì tủ điện cũng là nơi phát nổ bất kỳ khi nào. Theo quan sát của phóng viên,  mở cửa thoát hiểm đập vào mắt là tủ điện với dòng chữ “nguy hiểm chết người”. Nhiều cư dân ở đây bức xúc và nói vui rằng “mở cửa thoát hiểm là chui vào nơi nguy hiểm chết người”.
 Thùng rác chặn ngay lối vào cầu thang bộ để thoát hiểm.
Không chỉ có vậy, trước kia trong khu vực cầu thang bộ còn có đường ga xả rác của các tầng nhưng do thấy nguy hiểm khi có sự cố cháy nổ, cơ quan PCCC đã cho bịt đường xả rác lại. Từ giữa năm 2016 đến nay, CĐT quản lý vận hành tòa nhà đã cho đặt thùng rác từ 17 giờ chiều đến 20 giờ tối hàng ngày chặn giữa cửa thoát hiểm vào cầu thang bộ tất cả các tầng nơi cư dân sinh sống. Vấn đề này đã được cư dân phản ánh nhiều lần trong nhiều cuộc họp với CĐT song cũng không được giải quyết. Vì để thùng rác ra ngoài sảnh đơn vị vận hành tòa nhà là Công ty SDU sợ bẩn, và cũng không cử người lau chùi.

Thực tế, khoảng thời gian này trong ngày là thời gian các gia đình đều về nhà sinh hoạt, sử dụng điện gia tăng dễ gây cháy nổ. Nếu có xảy ra hỏa hoạn thì những chiếc thùng rác này chính vật cản giữa lối thoát hiểm của cư dân.

Dịch vụ bủa vây tòa nhà, chặn đường cứu hỏa

Theo ông Nguyễn Văn Linh, nhà 2201 tòa nhà hỗn hợp Sông Đà, CĐT không bàn giao hồ sơ nhà chung cư nên tình trạng PCCC của tòa nhà luôn trong tình trạng bất an. Xung quanh tòa nhà nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa không đi vào được. Vì toàn bộ mặt tiền của tòa nhà hiện tại CĐT cho siêu thị điện máy Media Mart thuê kinh doanh. Dưới lòng đường trước cửa siêu thị, bảo vệ của siêu thị này cho thuê để xe ô tô. Trên hè để xe máy, để hàng và xe vận chuyển hàng của siêu thị. Phía sau tòa nhà cũng bị siêu thị chiếm dụng làm nơi tập kết kho hàng để giao. Do vậy, hàng ngày xe tải, xe ôm ra vào nườm nượp để chở hàng cho siêu thị. Ban đêm cả hành lang trước cửa và sau tòa nhà đều bị siêu thị chiếm dụng để xe. Ý kiến của ông Linh cũng là ý kiến của rất nhiều cư dân cư trú tại tòa nhà này.
 Lòng đường, vỉa hè phía trước đều bị siêu thị điện máy Media Mart chiếm dụng cả ngày lẫn đêm.
 
Đặt giả thiết, nếu chung cư có xảy ra hỏa hoạn cả ban ngày, hay ban đêm thì xe cứu hỏa tiếp cận được vào chung cư ở phía trước hay phía sau tòa nhà đều gặp cản trở bởi xe và các vận dụng, máy móc do siêu thị điện máy kinh doanh bày ra chiếm hết diện tích từ dưới lòng đường, vỉa hè đến xung quanh nhà. Tại đây thường xuyên diễn tình trạng mất trật tự đô thị. Lòng đường, vỉa hè đều bị chiếm dụng. Khu vực tầng 1 của chung cư không có nhà vệ sinh nên hầu hết những người làm dịch vụ xe ôm, xe tải chuyên chở hàng hóa cho siêu thị Media Mart thường xuyên phóng uế bừa bãi ra khu vực sau tòa nhà, gây ô nhiễm môi trường.

Trong tầng hầm hiện nay có thể xảy ra cháy dễ nhất, nhưng do không có hồ sơ tòa nhà nên cũng khó xác định vị trí của các hạng mục cứu hỏa được bố trí ra sao, nếu có hỏa hoạn thì vận hành thế nào.
 Ban tối dịch vụ trông xe tấp nập.
Không những thế, ban đêm cư dân về đông đủ thì tầng hầm rất vắng xe, nhưng ban ngày cư dân đi làm thì 2 tầng hầm đều chật cứng xe máy, ô tô gửi. Theo ông Sảng: CĐT vừa nhận xe gửi từ bên ngoài, vừa xe gửi của các nhân viên làm việc trong văn phòng tại tòa nhà. Do đó nhiều khi xe để lấn cả vào lối đi. Nếu như có hỏa hoạn, cần di chuyển xe ra khỏi tầng hầm thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tầng hầm để ô tô.

Cũng theo ông Sảng và nhiều cư dân tại đây, tầng 8 (hay gọi là tầng kỹ thuật), chỉ được để các phòng kỹ thuật, phòng họp cộng đồng dành cho cư dân tòa nhà nhưng tại đây CĐT đã bố trí cả văn phòng của đơn vị SDU quản lý dịch vụ tòa nhà là công ty con của CĐT, nhà ăn và nhiều vật dụng khác.

Sự phớt lờ của CĐT về những kiến nghị của cư dân cũng đồng nghĩa với tính mạng của hàng nghìn cư dân sinh sống, cùng với hàng trăm người lao động hàng ngày làm việc tại tòa nhà này đang bị uy hiếp khi có hỏa hoạn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh các số báo sau về sai phạm tại chung cư này.