Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu Hà Nội tìm kiếm kịch bản tốt hướng tới những ngày lễ lớn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có những sản phẩm chất lượng chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024 như 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… cần phải ưu tiên tìm chọn các kịch bản, vở diễn ca ngợi truyền thống cách mạng, lịch sử Hà Nội.

Đó là những ý kiến được các văn, nghệ sĩ đưa ra tại tọa đàm "Sân khấu Thủ đô hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Sân khấu chào đón ngày lễ lớn

Năm 2024 là năm đất nước và Thủ đô Hà Nội có những ngày lễ lớn nhân năm chẵn như: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Tiếp đó, năm 2025 kỷ niệm 1.015 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2025), 95 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2025), 80 năm ngày thành lập Nước (2/9/1945 – 2/9/2025), 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)... Đó là những mốc son sáng chói trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

 

"Bên cạnh vận động, cổ vũ, hỗ trợ đội ngũ tác giả, Hội Sân khấu Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phải trở thành cầu nối đưa những kịch bản chất lượng đến các đơn vị nghệ thuật phù hợp, có nhu cầu để dàn dựng, biểu diễn phục vụ Nhân dân".

NSND Bùi Thanh Trầm 

Trước bối cảnh đó, theo NSND Bùi Thanh Trầm - nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội: Sân khấu Thủ đô rất cần có những tác phẩm mang giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật; có ý nghĩa lớn trong công tác giáo dục, tuyên truyền đến nhiều tầng lớp Nhân dân về truyền thống hào hùng của dân tộc, phản ánh sâu sắc tinh thần yêu nước, những tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội mở màn Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. Ảnh: Lại Tấn.
Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội mở màn Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. Ảnh: Lại Tấn.

Để có những tác phẩm, công trình, kịch bản sân khấu hay và thiết thực, theo NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, cần đề ra được phương hướng cho năm 2024 và những năm tiếp theo như: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Đảng bộ TP các chỉ thị của Ban Bí Thư và Ban Tuyên giáo T.Ư về phát động các cuộc thi sáng tác về chủ đề đất nước, thống nhất non sông; tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa 3 miền (Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh).

Nghệ sĩ cần dấn thân

Tại tọa đàm "Sân khấu Thủ đô hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, nhiều ý kiến tập trung nêu bật: Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nghệ thuật Sân khấu Thủ đô; vai trò của nghệ sĩ sân khấu Thủ đô với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước; những hoạt động cần thiết của nghệ sĩ sân khấu Thủ đô với những ngày lễ lớn của đất nước...

Hình ảnh trong vở diễn ''Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.
Hình ảnh trong vở diễn ''Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.

Theo đó, để có những công trình về lý luận phê bình sân khấu và những vở diễn hay, hấp dẫn, hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thủ đô và của đất nước là một thử thách lớn đối với không chỉ tác giả kịch bản mà còn đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ, nhạc sĩ… đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, dày dặn kiến thức, đưa được nghệ thuật truyền thống đi cùng thời đại.

Mặt khác, trong bối cảnh công nghệ giải trí phát triển, theo đạo diễn Lê Thế Song, nghệ sĩ sân khấu cần phải dấn thân vào thực tiễn cuộc sống và đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới để truyền tải nội dung mang tính thuyết phục cao. Mục đích của nghệ sĩ sân khấu và ekip sáng tạo là kiến tác nên những tác phẩm hay, hấp dẫn vừa mang tính giải trí vừa có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Đáp ứng được thái độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Bên cạnh nỗ lực của giới nghệ sĩ, các đơn vị sân khấu, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn trại sáng tác, các chuyến đi thực tế cho các nghệ sĩ sân khấu tới thăm, khảo sát để có thêm tư liệu sáng tạo, để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm; tạo điều kiện để các nhà viết kịch có điều kiện thuận lợi tìm hiểu về Thủ đô, tìm hiểu cuộc sống mới của đất Hà thành... Đồng thời, tổ chức các đêm diễn với những tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình: chèo, múa rối, cải lương và kịch nói và tổ chức đêm vinh danh các nghệ sĩ trẻ tài năng và các NSND, NSƯT.