Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản lượng thủy sản Hà Nội mới đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/11, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển thủy sản theo hướng bền vững trên địa bàn TP”.

Theo thống kê, toàn TP hiện có 21.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Một số vùng nuôi trồng thủy sản lớn là Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa… Hoạt động nuôi trồng thủy sản đang thu hút sự tham gia của trên 18.000 hộ, 23 hợp tác xã thủy sản và 17 cơ sở sản xuất giống.

Đáng chú ý hiện nay, sản lượng thủy sản toàn TP đạt trên 110.000 tấn/năm, tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội. Theo quy hoạch tổng thể hát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cuẩ Hà Nội vào khoảng 250.000 tấn/năm. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển diện tích thủy sản trên địa bàn TP.
  Toàn cảnh hội nghị sáng 21/11

Bên cạnh một số thuận lợi trên, ngành thủy sản Hà Nội hiện đối diện với không ít thách thức, khó khăn. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản thiếu đồng bộ do thiếu sự quy hoạch, việc nuôi trồng thủy sản hiện vẫn chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, thâm canh và bán thâm canh. Hệ thống điện 3 pha, đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương. Nguồn giống thủy sản còn trôi nổi, khó truy xuất nguồn gốc. Nguồn cá giống chưa đa dạng, chất lượng không cao và khó kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn TP ở dạng tươi sống; đã bước đầu hình thành một số cơ sở sơ chế, chế biến nhưng ở quy mô rất nhỏ. Việc tiêu thụ phụ thuộc lớn vào thị trường…

Để khắc phục những tồn tại trên, từng bước phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vũ Thị Hương cho rằng, cần có sự kết hợp hài hòa 3 mặt tăng trưởng: Kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chú trọng áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, giảm thiểu ảnh hưởng của hóa chất trong phòng trị bệnh, giảm áp lực về môi trường và tiết kiệm nguồn nước. Phát triển các cơ sở sản giống trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và kháng dịch bệnh. Tích cực ứng dụng GAP/BMP trong nuôi trồng thủy sản nhằm quản lý tốt chất lượng nguồn nước, xử lý dịch bệnh. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị thương mại…

Tại hội thảo, nhiều công nghệ trong nuôi trồng thủy sản đã được đại diện một số đơn vị quản lý Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được giới thiệu. Điển hình trong đó là mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, hệ thống nuôi cá sông trong ao (IPRS), quy trình nuôi ghép cá rô phi – trắm – chép theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ vi sinh, mô hình nuôi cá 3C (giống sạch – nguồn nước sạch – môi trường sạch)… Hầu hết các mô hình đều cho thấy những ưu điểm nổi trội, mang lại giá trị kinh tế cao và bảo đảm các yếu tố về an toàn thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường…