Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Săn” nhà ven phố cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản (BĐS), nhu cầu “săn” nhà mặt tiền phố cổ trong năm nay tăng khá.

Nhiều nhà đầu tư sau một thời gian gửi tiền tiết kiệm để “nghe ngóng” đã bắt đầu rút tiền đầu tư nhà ở khu phố cổ. Dưới góc nhìn của các chuyên gia BĐS, khu phố cổ Hà Nội không chỉ là một di sản kiến trúc có giá trị, mà còn là một “điểm đến hút dòng tiền đầu tư”.

Giá ngất ngưởng

Những ngôi nhà phố cổ “lõi” có giá hàng chục tỷ đồng thuộc quận Hoàn Kiếm, vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Hiện tại, chưa có một thống kê chính xác nào về giá cả và kết quả mua bán tại khu vực này. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị từ các sàn giao dịch BĐS, giá nhà đất trong khu vực phố cổ tuy không tăng đột biến, song giao dịch đã tăng khá trong thời gian gần đây.
Những ngôi nhà ven phố cổ có giá mềm hơn, dao động từ 300 - 350 triệu đồng/m2.	 Ảnh: Công Hùng
Những ngôi nhà ven phố cổ có giá mềm hơn, dao động từ 300 - 350 triệu đồng/m2. Ảnh: Công Hùng
Theo thông tin rao bán trên internet, chúng tôi có mặt tại một căn hộ trên phố Hàng Giấy, xây 2 tầng, mặt tiền 3m, diện tích 125m2, hướng Đông Bắc, sổ đỏ chính chủ được rao bán giá 450 triệu đồng/m2. Trao đổi với chị Hằng (chủ nhà), chúng tôi trả giá xuống mức 102 triệu đồng/m2 theo đúng khung giá đất mà UBND TP quy định thì nhận được sự quả quyết: “Không có giá đó đâu, đây là giá chung của khu vực này rồi. So với các nhà khác, giá nhà chị là “mềm” nhất, có nhiều nhà còn hét giá 550 - 600 triệu đồng/m2”.

Một căn nhà 8 tầng mặt phố Hàng Ngang có diện tích hơn 290m2 đang được rao bán với mức giá 225 tỷ đồng, tức hơn 1,2 tỷ đồng/m2. Chủ một căn hộ khác trên phố Trần Quang Khải cũng đang rao bán căn hộ diện tích xấp xỉ 68m2 với giá 34 tỷ đồng, tương đương 500 triệu đồng/m2. Hầu hết các chủ căn hộ đều cho rằng, vì nhà nằm ngay mặt khu phố sầm uất, nên giá bán không thể thấp hơn. Khách hàng khi xuống tiền không lo lỗ do đảm bảo được yếu tố sinh lời hàng tháng cũng như sinh lời từ nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Theo chị Trần Mai, một môi giới BĐS chuyên nghiệp tại khu vực này, thị trường nhà ở phố cổ “chào” giá "trên trời" do không có cơ sở để định giá. Tất cả đều do thị trường quyết định, điều tiết giá cả. Người bán thực tế cũng không biết giá bán bao nhiêu là phù hợp mà chỉ căn cứ vào hàng xóm nhà rao bán bao nhiêu, tình hình thực tế nhà đất trong phố cổ thế nào để lấy đó làm cơ sở phát giá, nhằm dò xét động thái của người mua.

Có sự chuyển dịch

Không thể phủ nhận những mảnh đất "vàng" tại khu trung tâm phố cổ với khả năng sinh lời lớn luôn thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy định mặt tiền nhà phố cổ không được xây quá 3 tầng đã phần nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh cũng như nhu cầu cải tạo, xây dựng mới của khách hàng trong thị phần này. Trước thực tế đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu chú ý đến những khu vực giáp phố cổ bởi địa thế đẹp, giá cả mềm và quan trọng là ít có sự “ràng buộc” về chiều cao xây dựng. Có thể dễ dàng nhận thấy những khu vực nằm ven phố cổ thì biên độ dao động giá đất càng hẹp mà vẫn đảm bảo được giá trị sinh lợi cao, dễ thanh khoản.

Ông Nguyễn Đăng Thắng - Giám đốc Sàn BĐS Nhà đất Hạnh Phúc (Láng Hạ, Ba Đình), đơn vị chuyên môi giới các loại nhà đất khu vực phố cổ cho biết: “Bên cạnh sự tham gia của nhiều khách hàng tại Hà Nội, một nét mới tạo nên sự nhộn nhịp tại thị trường này là những đại gia BĐS đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An... chiếm hơn 50% giao dịch. Đây là lượng khách hàng tiềm năng vì họ không chỉ có nhu cầu thật về nhà ở mà còn có tài chính mạnh”.

Theo ông Thắng, trước một số quy định về quá trình xây dựng, cải tạo nhà mặt tiền trong khu vực nhà phố cổ như mật độ xây dựng tối đa 70%, chiều cao lớp nhà mặt phố chỉ từ 1 - 3 tầng, tương đương cao từ 6 - 12m, nhóm khách hàng cũng có xu hướng lựa chọn sang các khu vực khác nằm ven phố cổ như Phố Huế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân… vị trí đẹp không kém mà lại ít bị bó buộc bởi quy chế bảo tồn khu phố cổ, linh hoạt hơn trong việc sửa chữa, xây dựng mới.

Nhận định về xu hướng giao dịch nhà đất khu vực phố cổ trong năm 2016, các chuyên gia cho rằng vẫn tiếp tục những đợt sóng ngầm. Vốn tiền mặt tích lũy trong dân tiếp tục có xu hướng đầu tư sang khu vực ven phố cổ do lãi suất vay ngân hàng ngày càng hấp dẫn sẽ thu hút những người có nhu cầu thật về nhà ở chất lượng và kích thích nhiều nhà đầu tư hơn.