Sản phẩm OCOP Hà Nội: Từ thương hiệu mạnh đến niềm tin người tiêu dùng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 năm triển khai, OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận tích cực, mang lại lợi ích cho các chủ thể, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững Chương trình OCOP của Hà Nội.

“Tấm vé thông hành” ra thị trường

Hơn 5 năm trước, Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, “bắt tay” với hàng chục nông hộ, thu mua sữa nguyên liệu để sản xuất, đóng gói các mặt hàng từ sữa. Quy trình sản xuất khép kín giúp DN tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

Hiện, nhà máy của công ty tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đang duy trì sản xuất hàng chục sản phẩm từ sữa mang thương hiệu “My Farm” như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua, caramen, bánh sữa… Vừa qua, khi tham gia Chương trình OCOP, doanh nghiệp có 10 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hội chợ hàng OCOP diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hội chợ hàng OCOP diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Giám đốc Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho biết, ngày mới đi vào hoạt động, việc kinh doanh của đơn vị còn nhiều khó khăn do chưa được thị trường biết đến quá nhiều. Với việc được TP chứng nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm của DN đang ngày một tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống phân phối, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

Trong khi đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cũng đang có được những bước phát triển khá tốt, đặc biệt là kể từ khi nhãn hiệu “Chuối Vân Nam” được TP đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao.

Ông Doãn Văn Thắng - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nhờ được cấp sao, sản phẩm của đơn vị có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội. Việc tiêu thụ sản phẩm chuối nhìn chung thuận lợi hơn kể từ khi được gắn sao OCOP.

Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì và Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam chỉ là hai trong số hàng ngàn chủ thể đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình OCOP mà Hà Nội triển khai từ năm 2019. Ở đó, khía cạnh tác động lớn nhất là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn, nhờ “tấm vé thông hành” mang tên OCOP.

Tạo dựng niềm tin người tiêu dùng

Giữa tháng 8/2022, gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) ghé thăm hội chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức tại trung tâm thương mại Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân).

“Đến hội chợ này, tôi có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Về chất lượng thì tôi không băn khoăn quá nhiều vì hầu hết các sản phẩm đều được chứng nhận OCOP 3 - 4 sao…” - chị Vân cho biết.

Giống như chị Vân, nhiều khách hàng đến với các hội chợ, hoặc tiếp cận nông sản, hàng hóa đã nhận biết và có sự tin tưởng lớn đối với các sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP.

Anh Phạm Đình Thái ở thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết, bản thân đã nghe nhắc đến chứng nhận OCOP khá nhiều. “Tôi biết đây là chứng nhận do UBND TP Hà Nội cấp nên hoàn toàn an tâm khi lựa chọn sản phẩm được cấp sao về cho gia đình…” - anh Thái chia sẻ.

Việc sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP không chỉ tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, mà còn giúp hệ thống phân phối gặp nhiều thuận lợi trong quá trình tuyển lựa sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ thương hiệu Nutrimart với hơn 1.000 điểm trên toàn quốc, cho biết một trong những tiêu chí mà đơn vị ưu tiên lựa chọn đưa vào hệ thống là sản phẩm được UBND các tỉnh, TP cấp chứng nhận OCOP.

“OCOP là một chứng nhận tích hợp. Sản phẩm được cấp sao phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn chất lượng của các bộ ngành T.Ư, địa phương. Chính vì vậy, việc lựa chọn các sản phẩm đã được cấp sao giúp DN có thể an tâm khi cung cấp đến tay người tiêu dùng; qua đó tiết giảm được nhiều thời gian kiểm tra chất lượng, truy xuất ngồn gốc trước khi nhập hàng, phân phối…” - bà Diễm Hằng đánh giá.

Đại diện một số DN phân phối cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ tại Hà Nội rất rộng lớn, nhưng cũng đặc biệt khắt khe. Sự cạnh tranh giữa các chuỗi bán lẻ, hay trong nội tại mỗi nhóm sản phẩm là rất lớn. Chính vì vậy, việc lựa chọn những mặt hàng bảo đảm an toàn, chất lượng với giá thành tốt nhất là đòi hỏi đặt ra đối với các đơn vị phân phối. Ở đó, OCOP được đánh giá là một trong những chứng nhận đủ uy tín để thu hút người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, ngay từ khi Chương trình OCOP được triển khai năm 2019, TP đã xác định “phát triển sản phẩm không chạy theo lượng”. Thay vào đó, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng và mở rộng đầu ra để mang lại giá trị cốt lõi lớn hơn cho chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

“Năm 2021, TP đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh của 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên thuộc 18 quận, huyện, thị xã. Dự kiến thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát tại nhiều cơ sở nhằm chấn chỉnh tình trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP không đạt chuẩn…” - ông Chí cho biết thêm.

Song song với quản chặt chất lượng sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành tổ chức nhiều hội chợ quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Riêng trong tháng 8/2022, đã có hai sự kiện được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) và trung tâm thương mại Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), với sự góp mặt của hàng ngàn sản vật “trên rừng, dưới biển” của các tỉnh, TP trên cả nước.

Bên cạnh việc tổ chức các sự kiện quảng bá, trưng bày, kết nối giao thương, đến nay TP đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương phối hợp xây dựng được 55 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bên cạnh việc tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng kênh phân phối, điều này còn giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm OCOP có chất lượng, rõ truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương, các tổ chức, DN để tổ chức từ 3 - 5 sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người dân. Các sự kiện sẽ gắn với văn hóa các vùng miền trên cả nước nhằm tạo điểm đến hấp dẫn thu hút người dân Thủ đô và du khách thập phương.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin thêm, năm 2022, TP cũng phấn đấu xây dựng thêm 24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã để người dân dễ dàng tiếp cận; phấn đấu đưa OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng cả nước nhận diện và tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

 

"Để phát triển bền vững Chương trình OCOP năm 2022 và những năm tiếp theo, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp: Hỗ trợ chủ thể sản xuất đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản chặt và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP." - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới
Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, toàn TP đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét, đánh giá, phân hạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần