|
Sẵn sàng sơ tán hàng chục vạn người dân phòng, chống bão Conson
Kinhtedothi - Bão Conson đang tiếp tục di chuyển vào biển Đông với tốc độ 15 - 20km/h. Dự kiến 7 giờ sáng mai (9/9), bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 790km. Hiện, các địa phương đã lên phương án sơ tán hàng chục vạn dân đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở từ bão Conson.
Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão Conson ngày 8/9, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện tuyến biển đang có 26.451 tàu cá hoạt động. Ngoài ra còn có 394 tàu vận tải hoạt động tại cảng. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 66.648ha diện tích canh tác nông nghiệp và 22.990 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hồng dao động từ 16,6 đến 2.771 m3/s. Mực nước các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang ở mức thấp so với mực nước cho phép từ 6 - 9m. Đáng lo ngại, trên hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh còn tồn tại 33 vị trí đê điều xung yếu, cần quan tâm, trong đó có 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22km) và 9 cống dưới đê; 6 công trình đang thi công dở dang.
Cập nhật nhanh ban đầu tại cuộc họp, một số địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân trường hợp bão mạnh và mưa lớn diện rộng trong điều kiện diễn biến Covid-19 phức tạp. Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân khu vực ven biển; cụ thể, Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100 (người).
Tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, dự kiến cũng có gần 71.000 người dân thuộc diện cần được sơ tán do nằm trong khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Cụ thể, Cao Bằng 45.829; Điện Biên 2.315; Hà Giang 792; Bắc Cạn 842; Thái Nguyên 20.992 (người).
Tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Conson và tình hình mưa lũ để chủ động biện pháp ứng phó. Tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Đối với vùng đồng bằng và ven biển, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; chủ động vận hành hệ thống tiêu. Đảm bảo an toàn và khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Lực lượng quản lý đê chuyên trách kiểm tra các vị trí xung yếu, công trình đê điều đang thi công dở dang.
Đối với vùng núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ, xung yếu.