Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng tiêm cho trẻ, chỉ chờ vaccine

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế đã có kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em khiến nhiều phụ huynh vui mừng, phấn khởi. Đến nay, nhiều địa phương đã sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ, chỉ chờ nguồn vaccine.

Chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid -19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Ảnh: Thanh Hải
Sẽ tiêm trước cho trẻ từ 12 - 17 tuổi
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cuối tháng 10 này, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế phấn đấu trong quý 4/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3 - 11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3 - 11 tuổi khi có vaccine. Dù số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp, nhưng ngành Y tế đang chủ động chuẩn bị cả nhân lực và tổ chức để triển khai tiêm khi vaccine về đến Việt Nam. Hiện các chuyên gia và Bộ Y tế vẫn tiếp tục xem xét về an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ.

Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các địa phương phối hợp với sở GD&ĐT rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Trẻ lứa tuổi này không đi học, chính quyền địa phương lập danh sách. Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).

Chọn vaccine nào?

Hiện, Bộ Y tế đã tiêm chủng hơn 60 triệu liều cho người trên 18 tuổi và đang tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...). Một số loại vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy, vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay có nhiều quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ. Khi đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Y tế về loại vaccine tiêm cho trẻ, đại diện Bộ Y tế cho biết, vaccine là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt dùng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Còn cụ thể loại vaccine gì, của nước nào sản xuất thì đến nay chưa được tiết lộ. Vaccine được sử dụng 2 liều và tiêm cùng loại.

Được biết, trên thế giới, hiện có vaccine của Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp dùng cho lứa tuổi này. Nhiều nước hiện tại chỉ dùng vaccine Pfizer cho trẻ em. Theo GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay có 2 loại vaccine tiêm được cho trẻ em, đó là vaccine Pfizer (tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi) và vaccine Sinopharm theo khuyến cáo của nhà sản xuất là tiêm được cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Mới đây, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Cuba sớm gửi hồ sơ về vaccine tiêm cho trẻ em để thẩm định. Việt Nam cũng chủ trương mua vaccine để tiêm cho trẻ, cụ thể đã ký hợp đồng với Pfizer để mua thêm 20 triệu liều loại này. Tuy nhiên, số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp, cho đến nay, nguồn vaccine này chưa về Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0 - 2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13 - 17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0 - 2 tuổi là 0,19%; 3 - 12 tuổi là 0,06%; từ 13 - 17 tuổi là 0,09%.

Các địa phương đã sẵn sàng

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu càng được triển khai tiêm sớm, trẻ càng sớm được đến trường, nhất là tại các tỉnh, thành tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại TP Hồ Chí Minh, số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm Covid-19 đang điều trị là 981 người. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 130 người. Theo dự thảo về kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất từ ngày 22/10 tổ chức tiêm vaccine cho 780.000 trẻ em sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP. Tuy nhiên đang chờ nguồn vaccine được phân bổ từ Bộ Y tế. Cũng theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, do Bộ Y tế đang chuẩn bị tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc tổ chức tiêm cho trẻ em nên có một số vấn đề chưa được xác định rõ như số lượng trẻ được tiêm/bàn tiêm/ngày để làm căn cứ xác định tiến độ tổ chức.

Còn tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, toàn TP có chưa đến 1 triệu trẻ độ tuổi từ 12 - 17, việc triển khai tiêm không có gì khó khăn. Nếu tiêm trong thời điểm trẻ đến trường thì TP sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học và sau đó tiêm vét tại xã, phường. Còn nếu tiêm trong thời điểm học sinh chưa đến trường, thì sẽ tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng như vừa qua. “Mọi công tác tiêm chủng để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ đã sẵn sàng. Vấn đề là bao giờ nguồn vaccine về và trẻ sẽ được tiêm loại vaccine gì thì chúng tôi chưa nắm được” – ông Tuấn nói.

Nhiều tỉnh, thành khác cũng có kế hoạch tương tự. Với 9 triệu trẻ độ tuổi này trên cả nước, nếu dồn lực tiêm chủng thì chỉ vài tuần có thể hoàn tất việc tiêm chủng mũi 1.
Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, TP theo địa bàn phân công phụ trách đối với các loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Tuổi nào cũng có thể mắc Covid-19, nhưng nhóm có nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi và có bệnh nền. Càng ít tuổi thì nguy cơ bệnh nặng /tử vong càng thấp. Điều này vẫn đúng với chủng Delta dù nó có độc lực cao hơn các chủng trước. Do vậy, trẻ dưới 18 (không có bệnh nền) chỉ là nhóm có ưu tiên thấp nhất, nhường vaccine cho các lứa tuổi khác trước.

Tuy nguy cơ bệnh nặng rất thấp, một số trẻ em nhiễm Covid (nhất là nếu có bệnh nền) vẫn có thể bị bệnh nặng, phải nhập viện. Vaccine giúp giảm nguy cơ nhỏ này, làm yên tâm các bậc cha mẹ có con tới trường. Trường học tập trung, trẻ em ý thức vệ sinh, giãn cách kém nên càng dễ lây. Tiêm cho trẻ em chủ yếu là để giúp giảm lây từ trẻ em sang nhóm khác. Giảm lây sẽ giảm khả năng tạo biến chủng mới.

TS. BS Trần Nam Trung - Chuyên gia dịch tễ học