Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm: Nỗi lo về an toàn và ô nhiễm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở TN&MT Hà Nội vừa tiến hành rà soát, phân loại và phân tích mẫu ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong đó có nhóm làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, nhóm làng nghề này không chỉ đặt ra nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP), mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước thải

Cùng với vấn đề ATTP, ô nhiễm môi trường tại các các làng nghề thuộc nhóm chế biến nông sản, thực phẩm cũng là vấn đề được các cấp chính quyền và sở, ngành liên ngành quan tâm.

Theo điều tra, khảo sát của Sở TN&MT Hà Nội, các làng nghề chế biến nông sản – thực phẩm được phân bố tại các huyện, như: Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm, Ứng Hòa, Mê Linh, Từ Liêm, Đan Phượng, Chương Mỹ, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây. Tập trung vào các hoạt động làm miến, bột sắn, bột dong, làm bún, nấu rượu, đậu phụ, bánh đa nem, phở khô, bánh dày, giò chả, bánh mứt kẹo...
 Ô nhiễm nguồn nước tại làng nghề chế biến thực phẩm (Kênh T3A tại làng bánh kẹo La Phù, Hoài Đức). Ảnh: Phạm Thiệu
Trong số 80 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm được Sở TN&MT tiến hành điều tra, thì có 3 làng nghề không còn hoạt động sản xuất là: Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thôn Yên Sở (Hoài Đức), làng nghề miến thôn Cự Đà (Thanh Oai) và làng nghề bún bánh Hòa Khê Hạ (Phú Xuyên), 2 làng nghề không có gồm làng nghề chế biến lương thực Vân Lôi (Mê Linh) và làng nghề chế biến lương thực Cư An (Mê Linh).

Hiện nay, các làng nghề số hộ tham gia vào sản xuất còn rất ít, một số làng nghề chỉ còn vài hộ sản xuất, như: Cát Quế (Hoài Đức - 4 hộ), Hạ Hiệp (Phúc Thọ - 8 hộ), Hiếu Hiệp (Phúc Thọ - 2 hộ), Bặt Trung (Ứng Hòa - 9 hộ). Một số làng hoạt động sản xuất vẫn diễn ra mạnh như Minh Khai (Ba Vì - 346 hộ), Minh Hồng (Ba Vì - 165 hộ), Bá Nội (Đan Phượng - 579 hộ), Trúng Đích (Phú Xuyên - 218 hộ).

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, các làng nghề chủ yếu là làm thủ công và bán cơ khí, quá trình chế biến gây ô nhiễm nhiều, như chế biến tinh bột sắn, tinh bột dong, chế biến bún, bánh và làm đậu phụ. “Một số làng nghề có thực hiện quan trắc môi trường hàng năm như làng nghề chế biến tinh bột Minh Hồng, Hạ Hiệp, Hiếu Hiệp với tần suất 1 – 2 lần/năm. Còn lại, các làng nghề khác đều không thực hiện quan trắc môi trường do không có kinh phí” - ông Lê Tuấn Định nói.

Hầu hết các làng nghề làm bún sử dụng điện, các làng nghề còn lại đều sử dụng lò đốt dùng nhiên liệu là than đá hoặc củi, gỗ cho mục đích cấp hơi với thời gian hoạt động từ 3 – 10 giờ/ngày. Các hộ đều không có ống khói, không có hệ thống xử lý khí nên gây ra ô nhiễm không khí.

Các làng nghề nấu rượu, làm đậu, làm bún có thêm nghề phụ là chăn nuôi lợn vì vậy môi trường không khí ô nhiễm chủ yếu là do mùi hôi từ nước thải chăn nuôi lợn. Một số làng nghề làm bún môi trường không khí bị ô nhiễm do mùi chua của quá trình ủ gạo, do nước thải sản xuất ứ đọng tại các cống, rãnh thoát nước.

Nguồn nước thải phát sinh do hoạt động vo gạo, làm đậu, nấu rượu, nuôi lợn dẫn đến ô nhiễm, trong khí đó, nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại các làng nghề không được tách riêng và được đổ trực tiếp vào các kênh, mương, cống rãnh, ao, hồ, do chưa được đầu tư hệ thống xử lý nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo TS Đỗ Văn Mạnh – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, để giải quyết tình trạng trên, cần thực hiện quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường hàng năm và có kết quả đánh giá cụ thể để đưa ra biện pháp nhằm giúp các hộ sản xuất trên địa bàn xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo cuộc sống và sức khỏe cho người dân; Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt tại các làng nghề. “Tập trung các hộ sản xuất về một khu làng nghề là điều cần thiết, để việc sản xuất và xử lý môi trường sẽ tách biệt, không ảnh hưởng tới dân cư, việc xử lý môi trường sẽ có điều kiện thực hiện và ít tốn kém hơn”- TS Đỗ Văn Mạnh chia sẻ thêm.

Nỗi lo về an toàn thực phẩm

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có trên 200 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến nguy cơ thường trực về mất ATTP.

Phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây được biết đến với đặc sản bánh tẻ Phú Nhi. Dù sản phẩm đã có nhãn hiệu tập thể và hiện được tiêu thụ khá tốt, tuy nhiên, nỗi lo ATTP tại làng nghề này đang khiến nhiều người âu lo.

Vào tháng 5/2018, đoàn liên ngành của TP về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2018 đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất bánh tẻ tại địa bàn. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành vẫn ghi nhận điều kiện sản xuất của cơ sở chưa bảo đảm, trong đó, nghiêm trọng nhất là nguyên liệu để làm bánh (gạo, thịt, mộc nhĩ…) không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, trên địa bàn phường Phú Thịnh hiện có khoảng 45 hộ sản xuất bánh tẻ. Nhưng đến nay, mới chỉ có… 2/45 cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP. Việc sản xuất tại làng nghề vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ.

Khảo sát tại làng nghề Cổ Hoàng (huyện Thường Tín) là một trong những điểm cung cấp bánh kẹo thủ công lớn nhất của TP. Điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân hết sức sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Vũ Tuấn Anh cho biết, làng nghề hiện có 35 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay chưa có bất cứ cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận ATTP.

Hai ví dụ điển hình trên cho thấy thực trạng đáng lo ngại về ATTP ở hầu khắp các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân.