Tăng trưởng không như mong muốn
Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 3% so với năm 2022, trong khi kế hoạch đề ra tăng từ 7,5-8%. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 17,5%, sản phẩm điện tử giảm 2,3%; sản xuất kim loại sản xuất phương tiện vận tải giảm 0,3%...
Lý giải nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp Hà Nội giảm sút, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu đầu vào và lạm phát đứng ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất. Đồng thời, kinh tế thế giới chưa hồi phục đã khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng kéo theo sự sụt giảm sản xuất ngành công nghiệp.
“Việc thiếu đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm hoặc việc làm của người lao động. Tính chung năm 2023, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước”- ông Thắng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ngoài thị trường xuất khẩu, sức ép lạm phát, lãi suất cao khiến sức mua của thị trường trong nước cũng giảm sút phần, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh thông tin: “Xuất khẩu giảm sút, thị trường nội địa chưa khôi phục đã khiến lượng đơn hàng giảm từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp đã hoàn toàn cạn đơn hàng để duy trì sản xuất”- ông Quốc Anh thông tin.
Nhìn lại hoạt động năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu của thị trường trong nước giảm sút mạnh. Cùng với đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm nội địa giảm sức cạnh tranh hàng ngoại khiến sức mua giảm.
"Điểm sáng" cho năm 2024
Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia kinh tế cho răng bước sang năm 2024 sản xuất công nghiệp sẽ có những điểm sáng để phục hồi.
Nói về những cơ hội cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hồi phục trong năm 2024, chuyên gia kinh tế Vũ Minh Phong cho biết, hiện sức cầu của các nên kinh tế thế giới đang trong xu hướng phục hồi khi kim ngạch nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tăng trưởng trở lại. “Kết quả khảo sát của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy 23,1% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý I/2024 sẽ tiếp tục tốt hơn so với quý IV/2023; 49,9% số doanh nghiệp cho rằng tinh hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định tốt hơn so với quý IV/2023” - ông Phong dẫn chứng.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, từ nửa cuối năm 2023 mức độ suy giảm giá trị xuất khẩu ngành dệt may thu hẹp dần khi các đơn hàng đã có dấu hiệu hồi phục, vì vậy dự báo thị trường năm 2024 cũng sẽ “ấm dần”. Mặt khác, Việt Nam được nhận định sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là những nhân tố có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024
Mặc dù hoạt động sản xuất năm 2024 sẽ “sáng” hơn năm 2023, song các doanh nghiệp đều cho rằng cần thêm trợ lực nhất là vấn đề vốn để nắm bắt cơ hội thị trường. “Triển vọng thị trường năm 2024 với doanh nghiệp là sáng, nhưng nếu những khó khăn trước mắt, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng không được hỗ trợ “khơi thông” thì doanh nghiệp cũng khó nắm bắt cơ hội”- Chủ tịch Hội Da giày Hà Nội Phạm Hồng Việt nêu rõ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, muốn phục hồi sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, vì vậy TP. Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó , sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2024 ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu ngành công nghiệp tăng trưởng khoảng 7 - 7,5%. Để thực hiện được mục tiêu này UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP năm 2024, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Ngoài ra, TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý. Đồng thời tháo gỡ khó khăn liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, phục hồi sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đàm phán các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường. Trong đó chú trọng tới những thị trường mà doanh nghiệp chưa có khả năng thâm nhập sâu như FTA giữa Việt Nam-Israel (VIFTA) hay FTA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).