Sáng nay (22/12),Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/12, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH(CHVH) Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc sẽ diễn ra trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết hợp với trực tuyến các điểm cầu ở các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, điều hành Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trực tiếp ở trụ sở Chính phủ và nối trực tuyến đến các điểm cầu Bộ ngành, TP... Đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà chủ trì; lãnh đạo các Sở ngành, cơ quan truyền thông của Hà Nội tham dự.

Công nghiệp văn hoá đóng góp 44 tỷ USD

Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị tại trụ sở Chính phủ.

Theo Bộ VHTT&DL, CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1.059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Ảnh minh hoạ.
CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Ảnh minh hoạ.

Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở  đang hoạt động có liên quan đến các ngành CNVH. Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành CNVH trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.

Đơn cử trong lĩnh vực điện ảnh, giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4.100 tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD) , đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh minh hoạ: Quang Huy.
Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh minh hoạ: Quang Huy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành CNVH còn gặp phải những khó khăn, hạn chế như chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH; Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNVH còn thiếu đồng bộ; Công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các ngành CNVH còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc về quy định pháp lý; Nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các DN liên quan đến lĩnh vực CNVH sẽ phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành CNVH lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành Công nghiệp văn hóa; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa…

Mục tiêu đến năm 2030 đóng góp 7% GDP

Theo Bộ VHTT&DL, mục tiêu chung đến năm 2030, các ngành CNVH Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành CNVH có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNVH đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Sự kiện Born Pink tour tại Mỹ Đình đã thu hút khoảng 67.000 khán giả. Ảnh: Fanpage BlackPink
Sự kiện Born Pink tour tại Mỹ Đình đã thu hút khoảng 67.000 khán giả. Ảnh: Fanpage BlackPink

Hình thành các trung tâm CNVH trọng điểm, như tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước.

Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Với xu thế hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hoá truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có “dư địa” lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hoá, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hoá, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Việt Nam với đặc điểm về dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới, do vậy các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế.

Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành CNVH đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, các tỉnh, TP có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNVH tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

 

Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, được quan tâm như đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa; những mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy