Đó là những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, TP đang đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực trong công tác này. Cùng với kiện toàn, sắp xếp, Hà Nội cũng từng bước đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình hợp lý.
Giảm đầu mốiĐể tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TP Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (tương ứng 30,2%). Tại cấp huyện, sau sắp xếp cũng chỉ còn 96 đơn vị sự nghiệp, giảm được 110/206 đơn vị, với tỷ lệ giảm 53,4%. Các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau được sáp nhập vào một đầu mối. Đơn cử như, sáp nhập thêm Trung tâm Dịch vụ đối ngoại (trực thuộc Sở Ngoại vụ) và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (trực thuộc Sở NN&PTNT) vào Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội. Tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển TP trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển TP, Quỹ Phát triển đất TP và Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội (trực thuộc Sở TN&MT). Sáp nhập Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục - thể thao và Đài Phát thanh các quận, huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; Trung tâm Sát hạch lái xe (thuộc Sở GTVT) hợp nhất vào Tổng Công ty Vận tải.
Các ban quản lý dự án cũng được TP sắp xếp lại, giảm từ 70 ban xuống còn 41 ban (giảm 41,4%). Như nhận xét của các đoàn kiểm tra T.Ư và các ngành, Hà Nội đã làm bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, đúng quy định và phù hợp thực tiễn trong việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao, không để xảy ra khiếu nại. Về nhân sự, TP lựa chọn những người có năng lực để tiếp tục bổ nhiệm. Những người còn lại cho giữ nguyên mức lương trong 24 tháng, những trường hợp tự nguyện xin về hưu trước sẽ được hỗ trợ...
Thống kê của TP cũng cho thấy, việc sáp nhập đã giúp giảm 231 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Sau khi sắp xếp các đơn vị này, Hà Nội dư ra khoảng 100 thửa đất. Việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập còn giúp TP giảm chi thường xuyên. Năm 2015, chi thường xuyên chiếm tới 58% tổng chi ngân sách TP, đến năm 2016 đã giảm xuống còn 53,3%.
Tiếp tục lộ trìnhTheo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội sẽ phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác, Hà Nội sẽ tăng cường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền, hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và bộ máy tổ chức, biên chế. Về đổi mới cơ chế tài chính, điểm đáng quan tâm là TP sẽ nghiên cứu, ban hành lộ trình và kế hoạch để đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn đủ điều kiện được vận dụng cơ chế tài chính như DN…
Thống kê cho thấy, năm 2016, TP có 2.596 đơn vị sự nghiệp công được giao quyền tự chủ tài chính, tăng 82 đơn vị so với năm 2011, trong đó có 70 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (tăng 15 đơn vị); 1.353 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (tăng 113 đơn vị); số đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 1.173 (tăng 33 đơn vị). Số thu của các đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội đã bù đắp được 40% nhu cầu chi thường xuyên. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, TP đã giao tự chủ tài chính thêm 3 đơn vị sự nghiệp, và có 5 đơn vị đăng ký thực hiện trong năm nay...
Từ kết quả Hà Nội đã làm được cho thấy, việc tiếp tục tinh giản biên chế, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng các dịch vụ công là một hướng đi hợp lý. Để tiếp tục đẩy mạnh bước tiến trong sắp xếp tổ chức bộ máy, giao tự chủ các đơn vị sự nghiệp, TP sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công trong từng ngành, từng lĩnh vực để sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi mô hình hoạt động trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả hơn.