Giằng co trước thông tin lãi suất và nợ công của Mỹ
Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã có lúc tăng vọt lên mốc 2.072 USD/ounce hôm 3/5 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu cho thấy lập trường chính sách dần chuyển sang trạng thái trung tính hơn. Đồng thời, cơ quan này để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất để có thời gian đánh giá tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đối với lạm phát và nền kinh tế Mỹ. Thị trường cũng gia tăng kỳ vọng FED có thể hạ lãi suất sớm nhất là từ tháng 7 tới đây.
Tuy nhiên, đến cuối tuần trước, giá vàng đột ngột lao dốc khi dữ liệu cho thấy thị trường việc làm và mức tăng tiền lương tại Mỹ trong tháng 4 tốt hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 53 năm trở lại đây. Những dữ liệu này có thể khiến FED phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong khoảng thời gian lâu hơn nhằm xử lý triệt để rủi ro lạm phát cao kéo dài dai dẳng.
Triển vọng FED giữ lãi suất cao khiến USD tăng, vàng giảm giá. Giá vàng thế giới đã hoàn tất một tuần giảm. Có thời điểm, giá vàng giảm về chỉ còn 2.007 USD/ounce, tương đương mức giảm hơn 2% chỉ trong một ngày.
Lúc 9 giờ sáng nay 16/5, giá vàng xuống 2.015,58 USD/ounce.
Hiện nay đang xảy ra một câu chuyện mâu thuẫn giữa việc FED báo hiệu tạm dừng tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 6 tới và một số quan chức FED kêu gọi tăng lãi suất cao hơn.
Dự báo giá vàng có thể giảm xuống trong ngắn hạn do FED không thể hạ lãi suất trước mùa hè năm nay. Dù vậy, việc giá vàng vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD/ounce có thể sẽ thu hút được nhà đầu tư.
Giá vàng có thể sẽ vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố. Theo ông Michael Boutros, chuyên gia của Forex.com cho biết, từ quan điểm kỹ thuật, đà tăng giá của vàng phần nào cạn kiệt trong ngắn hạn song vẫn được hỗ trợ.
Các sự kiện quan trọng có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng tuần tới là doanh số bán lẻ, đặc biệt là cuộc tranh luận về trần nợ công của Mỹ khi hạn chót ngày 1 tháng 6 sắp đến và rủi ro lan rộng khủng hoảng ngân hàng.
Các chuyên gia nhận định, vàng có thể tài sản phòng ngừa rủi ro tốt nhất khi khủng hoảng trần nợ công của Mỹ tiếp diễn.
Chiến lược gia thị trường Phillip Streible từ hãng chứng khoán Blue Line Futures (Mỹ) nhận định: “Tâm lý bi quan trên thị trường vàng sẽ lắng xuống khi nỗi lo khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ tăng lên”.
Chưa kể, thời gian qua, các ngân hàng trung ương ở nước ngoài đẩy mạnh mua vàng để giảm sự phụ thuộc của kho dữ trữ ngoài hối vào đồng USD. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua thêm 228 tấn vàng trong quý đầu tiên sau khi mua kỷ lục 1.136 tấn vàng trong năm 2022.
"Khủng hoảng nợ của Mỹ năm 2011 đã từng kéo giá vàng lên đỉnh mới. Tôi cho rằng giá có thể lên 2.450 USD hoặc hơn trong vài tuần tới" - ông Richard Baker dự báo.
Nhà chiến lược Michael Boutros của Forex.com nhận định một mô hình tương tự có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, với giá vàng sẽ tăng cao hơn khi gần đến tháng 6. Và sau đó, khi Nhà Trắng và quốc hội Mỹ nhất trí nâng trần nợ công, giá vàng sẽ đạt đỉnh.
Vàng trong nước không liên thông với thế giới
Trong khi vàng thế giới giảm, giá vàng miếng trong nước đi xuống rất chậm chạp. Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang quanh mức 67 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng cao hơn thế giới honw 10 triệu đồng/lượng.
Còn vàng nhẫn 4 số 9 lại giảm 150.000 đồng, đưa giá mua xuống còn 56,35 triệu và bán ra còn 57,35 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua bán vàng nhẫn SJC vẫn duy trì ở mức 1 triệu đồng.
Lý giải cho hiện tượng giá vàng nhẫn, nữ trang 9999 có chênh lệch giá mua - bán lên đến 1 triệu đồng/lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ Trần Thanh Hải cho rằng, mãi lực thị trường vàng hiện nay khá ảm đạm. Khi tình hình kinh tế khó khăn, người có vàng có xu hướng mang vàng ra bán nhiều hơn mua vào. Chính vì vậy, giá mua vào thường có xu hướng đi xuống nhanh, trong khi giá bán ra lại neo cao hơn. Điều này đã dần tạo ra khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn.
Chênh lệch lớn giữa giá bán ra với mua vào khiến người mua vàng ngay lập tức chịu lỗ lên 1 triệu đồng/lượng. Mãi lực thị trường vàng èo uột, không sôi động nhưng chính vì chênh lệch giữa giá mua và bán vàng ở mức cao giúp các đơn vị kinh doanh hiệu quả.
Theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, đã đến lúc, NHNN sửa Nghị định 24. Theo đó, NHNN nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay.
Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Nghị định 24/2012/NĐ-CP và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng của NHNN những năm qua là bước tiến quan trọng để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, loại bỏ tình trạng vàng hóa ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.
Dù vậy, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Do đó, việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và Hiệp hội kinh doanh vàng và xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong báo cáo.