Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, với số nghề được tổ chức nhiều nhất là 34 tính từ trước đến nay.

Ngày 23/9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB&XH đã gặp mặt báo chí để thông tin về Kỳ thi Kỹ năng quốc gia lần  thứ 11 và tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, têu biểu năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 có 34 nghề được tổ chức thi, trong đó có 31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn.
Đặc biệt, có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Điều khiển công nghiệp, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, Thiết kế thời trang kỹ thuật số và Công nghệ nước.
Kỳ thi này có tổng số 505 thí sinh đến từ 50 đoàn đăng ký dự thi, trong đó  có 4 bộ, ngành; 1 tập đoàn; 1 hiệp hội; 1 tổng công ty và 43 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
 Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 có 34 nghề được tổ chức. Ảnh: Oanh Trần.
Sẽ có 6 hội đồng thi, trong đó 5 hội đồng thi được tổ chức tại 5 trường cao đẳng tại Hà Nội và 1 hội đồng thi được tổ chức tại Lạng Sơn.
Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến 10/10/2020. Lễ khai mạc Kỳ thi dự kiến được tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 4/10/2020 tại Hà Nội. Tại Lễ khai mạc, dự kiến sẽ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam, hiện đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, sẽ vinh danh trao thưởng Bằng khen của Thủ tướng cho một số thí sinh xuất sắc đạt giải cao tại các kỳ thi Kỹ năng nghề Asean và Thế giới.
Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN Nguyễn Chí Trường cho biết những nội dung mới của Kỳ thi năm nay. Theo đó, Kỳ thi đã được đổi tên thành Kỹ năng nghề quốc gia, thay vì trước đó là Kỳ thi tay nghề quốc gia; Ban Tổ chức được đổi tên thành Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam.
Một điểm mới thứ hai, là số nghề tổ chức thi lớn nhất từ trước tới nay và tăng lên 8 nghề so với số nghề tổ chức ở kỳ thi trước năm 2018 (26 nghề), trong đó có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức.
Sinh viên trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội trong một giờ thực hành. 
Lần đầu tiên thành phần Ban Tổ chức và thành phần các Tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức có sự tham gia của các doanh nghiệp và hiệp hội nghề như: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Tổng Công ty May 10; Công ty TNHH Festo; Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam.
Do đề thi được tiệm cận với kỳ thi kỹ năng nghề Asean nên thời gian thi tăng lên thành 12 đến 15 tiếng (trước đây không quá 8 tiếng).
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nên Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã bổ sung những quy định về công tác phòng chống Covid-19 trong suốt thời gian diễn ra Kỳ thi.
Đặc biệt, Kỳ thi có sự tham gia của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an để đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan cho kỳ thi.
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Trần Minh Huyền cho biết: Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Qua 3 vòng xét chọn từ cấp trường, cấp sở LĐTB&XH, Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc đã lựa chọn được 130 học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất. Trong đó có có 112 sinh viên, 18 học sinh của 70 cơ sở GDNN thuộc 28 tỉnh, TP.
Lễ tuyên dương sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/10/2002 tại Hà Nội với các hoạt động chính như: báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình, dâng hương Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH tặng quà...