Hải Phòng:

Sẽ cưỡng chế hoạt động nuôi ngao không phép ở huyện Kiến Thụy từ ngày 14/10

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/9, ông Trần Ngọc Toại, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) cho biết, UBND huyện đang yêu cầu các hộ nuôi ngao không phép thu hoạch ngao, di chuyển tài sản trước ngày 10/10 và tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức cưỡng chế dự kiến từ ngày 14/10.

Các hộ dân không tự nguyện di dời sẽ buộc phải cưỡng chế

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kiến Thụy có 89 hộ đang nuôi ngao trái phép với diện tích 2.557,5ha. Việc các hộ dân đã tiến hành nuôi ngao tự phát, vi phạm các quy định pháp luật về nông nghiệp.

Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 6761/UBND-KS ngày 22/9/2021 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời.

Chòi canh ngao trái phép của các hộ dân. Ảnh Vĩnh Quân
Chòi canh ngao trái phép của các hộ dân. Ảnh Vĩnh Quân

UBND TP đã yêu cầu UBND huyện Kiến Thụy chuẩn bị cắm phao tiêu bao quanh khu vực biển; thiết lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trường hợp các hộ dân đã không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm theo quy định pháp luật.

Theo thông tin từ UBND huyện Kiến Thụy, khu vực di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản không phép giai đoạn 1 trên địa bàn với tổng diện tích 1.515 ha; có 41 bãi nuôi của 38 hộ gia đình, cá nhân, 47 chòi canh. Tổng diện tích các bãi nuôi là 1.240ha. Trong đó trên địa bàn huyện Kiến Thụy 23 hộ, các quận trên địa bàn TP Hải Phòng là 7 hộ…

Thực hiện chỉ đạo, UBND huyện Kiến Thụy đã hoàn thiện 33/38 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trong đường triều kiệt (16 hộ), huyện đã ban hành 11/16 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 hộ gia đình, cá nhân có hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác, xử phạt 2.000.000 đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm.

Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đường triều kiệt (7 hộ): huyện Kiến Thụy đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 7/7 hộ gia đình, cá nhân về việc nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định, xử phạt 25.000.000 đồng và buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm.

Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản thuộc cả trong và ngoài đường triều kiệt (15 hộ): huyện Kiến Thụy đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 15/15 hộ gia đình, cá nhân về các hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác; nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định, xử phạt 2.000.000 đồng và 25.000.000 đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm.

Các doanh nghiệp gặp khó trong thực hiện dự án

Các hộ dân không tự nguyện di dời sẽ buộc phải cưỡng chế theo quy định. Ảnh: Vĩnh Quân
Các hộ dân không tự nguyện di dời sẽ buộc phải cưỡng chế theo quy định. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo ông Trần Ngọc Toại, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy, trước tình hình, nhiều dự án đã được thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, đê biển và các dự án khai thác cát để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhưng không thực hiện được do có sự ngăn cản trái phép của một số hộ dân nuôi ngao tự phát.

Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố (nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài) và nhu cầu cát phục vụ cho các dự án phát triển thành phố. Lãnh đạo UBND TP, UBND huyện đã trực tiếp kiểm tra tại thực địa, tổ chức nhiều buổi đối thoại, làm việc với các hộ dân nuôi ngao và chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm… Đặc biệt là một số DN hiện đang thiếu cát trầm trọng cho việc thi công dự án.

“Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Ngày 22/9, UBND huyện đã cắm được 5 phao tiêu; thiết lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 hộ nuôi ngao (diện tích 1500ha). Hiện nay đã có 3 hộ có đơn xin trả lại diện tích đang nuôi ngao cho huyện quản lý", ông Toại cho hay.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy nhấn mạnh, các hộ dân nuôi trồng thủy sản không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế xin ý kiến các sở, ban ngành thành phố và đã được Thường trực Thành ủy, UBND TP đồng ý chủ trương cưỡng chế. Thời gian cưỡng chế dự kiến từ ngày 14/10/2022. Đối với 19 hộ dân nuôi ngao nơi có khu vực chồng lấn các mỏ cát, nếu tự nguyện di dời tháo dỡ trước ngày huyện cưỡng chế thì những DN (nơi đang khai thác mỏ cát) sẽ hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng/1ha.