Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hội thảo là diễn đàn để Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm của quốc tế về mô hình đầu tư PPP (đối tác công – tư) trước khi triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Ông Đông cho rằng, hình thức đầu tư theo mô hình PPP là kênh thu hút vốn và thực hiện đầu tư đem lại hiệu quả rất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có kinh nghiệm và lộ trình thực hiện đầu tư theo hình thức PPP khác nhau.
“Ở Việt Nam, từ năm 1997 đã kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay hầu như mới có nhà đầu tư trong nước và bên cung cấp tín dụng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô không lớn” - ông Đông nói và cho biết, hiện nay, nhiều dự án đã tiến hành thu phí, trong đó một số công trình kết thúc thời gian hoàn vốn cho thấy nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng nhìn nhận còn một số tồn tại, bất cập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư PPP chưa đồng bộ, đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, từ năm 2008, WB đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam triển khai dự án thí điểm đầu tư theo PPP là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Sau nhiều năm thẩm định, với sự nỗ lực của WB, Bộ GTVT và các cơ chế đặc thù của Chính phủ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhất là hệ thống luật pháp liên quan đến vốn góp của Nhà nước, cơ chế bảo lãnh, cơ chế chia sẻ rủi ro,… nên dự án đã dừng triển khai thí điểm.
“Để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, một vấn đề đặt ra là cần phải tạo mọi điều kiện để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư quốc tế… Vì vậy, đây là cơ hội để tiếp thu các ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm của quốc tế về mô hình đầu tư PPP trước khi triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành công theo Nghị Quyết của Quốc hội” - ông Đông khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư cho biết, về mặt tiến độ, dự án cao tốc Bắc – Nam trong năm 2018 thực hiện việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sơ tuyển nhà đầu tư ở 8 dự án thành phần, gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công các dự án này.
Theo đó, dự án có điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là Cà Mau. Trong đó, các tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh – Cà Mau cơ bản hoàn thành hoặc đang xây dựng… Như vậy, đoạn cần đầu tư là Hà Nội – TP Hồ Chí Minh với chiều dài 1.372km. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ đạt tổng nhu cầu vận tải dự báo rất lớn. Lượng hành khách đạt khoảng 45,37 triệu hành khách/năm, vượt quá năng lực vận tải của các phương thức khoảng 5,92 triệu hành khách/năm. Về hàng hóa, nhu cầu vận tải đường bộ đạt khoảng 62,27 triệu tấn/năm, vượt quá năng lực đảm nhận của các tuyến đường bộ khoảng 14,5 triệu tấn/năm.
Theo Nghị quyết Quốc hội, giai đoạn một của dự án từ năm 2017 đến 2020, đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng chiều dài 654km và qua 13 tỉnh.
Tổng số mức đầu tư giai đoạn này là 118.716 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ để giải phóng mặt bằng, xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và các dự án đầu tư công Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2. Như vậy nguồn vốn còn lại phải thu hút nhà đầu tư là 63.716 tỉ đồng.
Giai đoạn 1, đoạn Cao Bồ - Bãi Vọt; Phan Thiết – Dầu Giây đầu tư 4 làn xe. Đoạn Cam lộ - La Sơn 2 làn xe.